Cần quản lý hiệu quả Quỹ Bảo hiểm y tế
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, tình trạng bội chi Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) đã lên tới 60 trong số 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong đó, có tới 13 địa phương ước bội chi quỹ BHYT đến hơn 200 tỷ đồng mỗi tỉnh, thành phố. Nguồn kết dư Quỹ BHYT từ các năm trước đang cạn dần, nguy cơ sẽ "âm" quỹ BHYT nếu không có các giải pháp hữu hiệu...
Bội chi lan rộng
Ðoàn giám sát của Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam thời gian qua đã có các buổi làm việc và đều ghi nhận tình trạng bội chi quỹ khám chữa bệnh (KCB) BHYT diễn ra đáng lo ngại tại nhiều địa phương. Như tại tỉnh Ninh Bình, trong 9 tháng đầu năm 2018 đã có 13 trong số 28 đơn vị vượt quỹ khám, chữa bệnh BHYT với tổng số tiền 164,2 tỷ đồng; có 7 trong số 35 đơn vị vượt trần đa tuyến đến với tổng số tiền gần 3,7 tỷ đồng... Có thể thấy, tình hình vượt quỹ KCB BHYT diễn ra phổ biến đối với các địa phương. Theo báo cáo của BHXH thành phố Cần Thơ, năm 2017 nếu so dự toán BHXH Việt Nam giao, thì thành phố chi vượt dự toán 244 tỷ đồng, năm 2018 dự kiến số tiền vượt dự toán khoảng 150 tỷ đồng... Tại tỉnh Bến Tre, con số còn đáng lo ngại hơn khi năm 2016, quỹ BHYT bội chi 297,8 tỷ đồng; đến năm 2017 tiếp tục bội chi gần 359 tỷ đồng; còn sáu tháng đầu năm nay mất cân đối quỹ đã lên đến 115 tỷ đồng. Tại Tiền Giang, năm 2016 bội chi quỹ BHYT gần 37 tỷ đồng, đến năm 2017 bội chi 284 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2018 đã bội chi 177,6 tỷ đồng và dự kiến cả năm sẽ tăng lên hơn 300 tỷ đồng...
Ðoàn giám sát Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam trong buổi làm việc tại tỉnh Thanh Hóa.
TP Hồ Chí Minh là địa phương chưa vượt quỹ, tuy nhiên theo Giám đốc BHXH TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mến, năm 2018, thành phố được Chính phủ giao chi 9.477 tỷ đồng và ước chi 9.344 tỷ đồng. Tính đến ngày 20-10, chi phí KCB BHYT nội tỉnh trên địa bàn tạm thời đang cân đối, nhưng chi phí đến ngoại tỉnh lại đang ở mức báo động. Tính đến hết tháng 9, quỹ BHYT dành cho chi phí đến ngoại tỉnh đã bội chi khoảng 1.000 tỷ đồng. Dự kiến đến hết năm 2018, con số này sẽ tăng lên khoảng 1.200 tỷ đồng. Nguyên nhân là do, bình quân một lượt điều trị của các cơ sở KCB BHYT tại TP Hồ Chí Minh đang ở mức cao so với các địa phương khác, bình quân 524.000 đồng cho một ca ngoại trú (cao hơn 200.000 đồng so với các địa phương khác); 7,2 triệu đồng cho một ca nội trú (cao hơn so với các địa phương khác). Bên cạnh đó, nhiều bệnh viện vẫn đề nghị thanh toán trùng chi phí; chỉ định dịch vụ quá mức cần thiết; sử dụng thuốc có hàm lượng lạ. Thậm chí, nhiều bệnh viện chuyển dữ liệu lên Cổng thông tin giám định chậm, gây khó khăn cho cơ quan BHXH...
Cần giải pháp hữu hiệu
Tại buổi làm việc với Ðoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, Giám đốc BHXH thành phố Phan Văn Mến đề nghị đoàn kiến nghị Quốc hội xem xét bỏ quy định đang điều trị mà thẻ BHYT hết hạn vẫn được thanh toán. Bởi, nếu thực hiện quy định này sẽ làm cho nhiều người ỷ lại và thiếu trách nhiệm trong việc tham gia BHYT; kiến nghị Bộ Y tế cần thường xuyên cập nhật danh mục thuốc, vật tư y tế… để cơ quan BHXH và các cơ sở KCB dễ dàng phối hợp trong thanh, quyết toán...
Có thể thấy, các chính sách về BHYT thời gian qua đã xuất hiện khá nhiều yếu tố làm tăng chi phí, như: quyền lợi, mức hưởng BHYT được mở rộng; cùng với đó là việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ. Ngoài ra còn có tình trạng lạm dụng quỹ từ người có thẻ BHYT cũng như một số cơ sở KCB BHYT... Trong bối cảnh tốc độ gia tăng chi phí KCB BHYT vẫn tiếp tục lớn như hiện nay thì việc cạn quỹ dự phòng là điều khó tránh. Ðánh giá về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, trong bối cảnh chưa tăng mức đóng BHYT thì số thu trong năm không đủ bù chi, sẽ phải dùng quỹ dự phòng bù đắp. Do đó, từ nay đến lúc Chính phủ đồng ý nâng mức đóng thì các biện pháp căn cơ, tiết kiệm sử dụng quỹ BHYT vẫn phải được thực hiện, bởi nếu quỹ BHYT mất cân đối sẽ khiến công tác chăm sóc sức khỏe người dân không được bảo đảm.
Theo các chuyên gia, thời gian tới để bảo đảm cân đối nguồn quỹ BHYT, cùng với việc tính đến phương án nâng mức đóng cho phù hợp mức độ tăng giá dịch vụ y tế theo lộ trình cũng như việc phát triển các dịch vụ kỹ thuật y tế mới và tốc độ tăng lượt KCB của người dân, việc tăng cường các biện pháp kiểm soát, sử dụng hiệu quả chi phí KCB là hết sức cần thiết. Ðồng thời, về lâu dài, cần quan tâm thỏa đáng hơn công tác y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.
Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, trong những năm qua, quỹ BHYT liên tục rơi vào tình trạng mất cân đối. Năm 2016, số thu vào quỹ là hơn 82.500 tỷ đồng thì số chi lên tới hơn 95.000 tỷ đồng; đến năm 2017 số thu cũng thấp hơn số chi khoảng 9.200 tỷ đồng. Mức độ bội chi trong năm 2017 có giảm nhưng tình trạng này đã xuất hiện ở 59 trên 63 tỉnh, thành phố, trong đó một số tỉnh, thành phố bội chi tới hơn 1.000 tỷ đồng. Năm 2018, tình trạng bội chi đã lan rộng tới 60 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong đó, có tới 13 tỉnh, thành phố ước bội chi quỹ BHYT từ hơn 200 tỷ đồng, hai tỉnh lên tới con số hơn 700 tỷ đồng.
Theo Anh Thu (NDĐT)