Triển khai Chương trình Sữa học đường trên địa bàn tỉnh: Vẫn còn những băn khoăn
Theo kế hoạch, Chương trình Sữa học đường sẽ chính thức triển khai trong học kỳ II năm học 2018 - 2019. Với mong muốn tất cả trẻ mầm non trong diện thụ hưởng đều được tham gia Chương trình, ngành GD&ÐT đã tổ chức tuyên truyền, vận động, thế nhưng vẫn còn một số phụ huynh tỏ ra chưa yên tâm.
Trường Mầm non xã Hoài Xuân (huyện Hoài Nhơn) có 100% trẻ đăng ký tham gia Chương trình Sữa học đường.
Về các địa phương tìm hiểu thì được biết lý do chính là bởi phụ huynh chưa biết chương trình cho con mình uống loại sữa gì. Theo chị Nguyễn Thị Thành ở huyện Hoài Nhơn, dù đã đăng ký cho con gái 4 tuổi của mình tham gia vào chương trình nhưng thật lòng chị vẫn còn do dự vì không muốn thay đổi loại sữa con dùng lâu nay,vả lại cũng không biết loại sữa chương trình dùng có phù hợp với thể trạng của con không.
Kế hoạch thực hiện Chương trình Sữa học đường trong các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh từ năm 2018 đến năm 2020 được UBND tỉnh phê duyệt vào tháng 8.2018. Theo đó, trẻ từ 3-5 tuổi học tại các cơ sở giáo dục mầm non sẽ được uống 3 hộp sữa/tuần/trẻ (hộp 180ml). Mỗi hộp sữa sẽ được ngân sách tỉnh hỗ trợ 25% chi phí, đơn vị cung ứng sữa sẽ hỗ trợ 25% và cha mẹ học sinh góp 50%. Ðối với trẻ ở 3 huyện miền núi, các xã bãi ngang, xã đảo, trẻ hộ nghèo thì Nhà nước hỗ trợ 75% chi phí, đơn vị cung ứng sữa sẽ hỗ trợ 25%, phụ huynh không phải đóng góp.
Băn khoăn của chị Thành cũng là tâm trạng phổ biến của nhiều phụ huynh hiện nay. “Tôi biết hiện nay trên thị trường có loại sữa chưa tách béo, uống loại này sẽ làm trẻ nhanh lên cân nhưng xương không phát triển tốt nên trẻ vẫn bị còi xương và suy dinh dưỡng”, chị Thành trò chuyện.
Dù vậy, khá nhiều phụ huynh sau khi xin rút lại đến đăng ký lại. Chị Trà My ở Quy Nhơn chia sẻ, sau khi rút mình tìm hiểu kỹ lại thấy chương trình nhiều ý nghĩa, có nhiều lợi ích cho con nên chị và nhiều phụ huynh khác đã đăng ký trở lại. “Không chỉ lo chuyện nguồn sữa cận đát mà cả việc vận chuyển, bảo quản cũng hết sức quan trọng. Cứ để thực tế trả lời, nếu không tốt mình rút cũng không sao. Nhưng bởi có nhiều cảnh báo như vậy, tôi nghĩ Nhà nước sẽ kiểm soát chặt chẽ”, chị My bày tỏ.
Theo tổng hợp thống kê số liệu đăng ký của Sở GD&ĐT, đến cuối tháng 10.2018, toàn tỉnh có 42.268 trẻ tham gia chương trình. Trong đó các huyện miền núi, trung du tỉ lệ rất cao, tham gia gần 100%; các huyện, thị xã, thành phố còn lại số đăng ký bình quân khoảng 60%, cá biệt có một số trường chỉ khoảng 30 - 40% trẻ tham gia. Qua thời gian nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của phụ huynh, một số hiệu trưởng phân tích, theo quy trình, phụ huynh đăng ký trước, khi có số liệu, tính toán kinh phí, tỉnh mới tiến hành tổ chức đấu thầu chọn đơn vị cung cấp sữa. Khi ấy mới biết công ty nào, nhãn hàng nào trúng thầu. Và dù nhãn hàng nào thì cũng phải phù hợp tiêu chuẩn quy định.
Trao đổi về việc này, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Đình Hùng cho biết, từ đầu năm học 2018 - 2019, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các phòng GD&ĐT hướng dẫn cơ sở giáo dục tuyên truyền về những ích lợi của Chương trình, vận động phụ huynh đăng ký cho con em mình tham gia, nhằm cải thiện dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc cho trẻ. Tuy vẫn còn một số phụ huynh băn khoăn lo lắng nhưng đó là bình thường. Cái gì mới cũng dễ gây hiệu ứng như thế, khi vận hành đều, lợi ích thấy rõ phụ huynh sẽ ủng hộ, việc của chúng ta là làm cho thật tốt.
“UBND tỉnh đã giao Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị chuyên môn thực hiện công tác kiểm tra, giám sát về chất lượng sản phẩm sữa, các điều kiện bảo quản sữa nhằm bảo đảm chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm; hướng dẫn nhân viên các điểm tiếp nhận và cấp phát sữa của chương trình cách kiểm tra giám sát chất lượng sữa, bảo quản sữa bằng phương pháp thông thường; chỉ đạo xử lý các sự cố về an toàn thực phẩm nếu có xảy ra. Sở Y tế cũng sẽ phối hợp với Sở GD&ĐT tổ chức theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình và đánh giá kết quả triển khai”, ông Nguyễn Đình Hùng khẳng định.
Theo sự phân công của UBND tỉnh, thời gian tới, Sở GD&ĐT sẽ tổ chức đấu thầu tập trung, sau đó các huyện, thị xã, thành phố sẽ tiến hành ký hợp đồng cụ thể về nguồn cung với đơn vị cung cấp sữa. Các trường đã được lưu ý, vận động phụ huynh tham gia trên tinh thần tự nguyện, không bắt buộc, nhất là số mà cha mẹ học sinh đóng góp 50% kinh phí mua phần sữa của con mình; tuyệt đối không được đề ra mục tiêu và phải đồng ý cho phụ huynh rút khỏi danh sách đã đăng ký nếu họ đổi ý.
NGỌC TÚ