Bảo tồn, phát huy giá trị di tích: Cần nỗ lực nhiều hơn
Đoàn Giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND tỉnh) vừa thực hiện giám sát công tác quản lý nhà nước về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh nhiều vấn đề làm được, theo Đoàn, để phát huy giá trị di tích có hiệu quả cao hơn, thời gian tới các địa phương, ngành cần nỗ lực nhiều hơn.
Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt là một trong những điểm đến thu hút đông khách tham quan. Ảnh: VĂN LƯU
Những năm gần đây, nhiều di tích ở tỉnh ta đã được đầu tư trùng tu, tôn tạo điển hình là: Bảo tàng Quang Trung, Đền thờ Bùi Thị Xuân, tháp Cánh Tiên, tháp Bánh Ít, tháp Bình Lâm, Nhà tù Phú Tài… Bên cạnh đó, chính quyền địa phương nơi có di tích cũng quan tâm tổ chức bảo tồn nhiều hơn, chủ động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng tham gia bảo vệ, giữ gìn các di tích; đầu tư kinh phí vào việc tu bổ di tích.
Theo thống kê của Sở VH&TT, toàn tỉnh có 130 di tích được xếp hạng (2 di tích quốc gia đặc biệt, 34 di tích quốc gia, 94 di tích cấp tỉnh) bao gồm các loại hình: lịch sử (114 di tích), kiến trúc nghệ thuật (11 di tích), khảo cổ (3 di tích) và danh lam thắng cảnh (2 di tích). Trong đó, có 42 di tích đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Theo ông Đào Xuân Huy, Phó Chủ tịch UBND TX An Nhơn, cùng với việc hỗ trợ xuất bản các ấn phẩm viết về các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn, từ năm 2015, TX An Nhơn giao cho Thị đoàn An Nhơn biên soạn và phát hành Sổ tay truyền thống lịch sử quê hương để phát cho đoàn viên, thanh niên giới thiệu về di tích, nhằm giáo dục truyền thống, nâng cao ý thức giữ gìn, bảo vệ di tích trên địa bàn.
Trong vấn đề bảo vệ di tích, tất cả các địa phương có di tích đều chỉ đạo đài truyền thanh địa phương chú ý tuyên truyền vấn đề này; ngành VH-TT-TT các huyện cũng tổ chức phối hợp chặt chẽ với đài truyền thanh nâng cao nhận thức của nhân dân về bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Đồng thời Phòng GD&ĐT còn hướng dẫn các trường học đăng ký nhận chăm sóc di tích, xây dựng các hoạt động ngoại khóa như thi đố vui để học, tìm hiểu về lịch sử - văn hóa, tổ chức tham quan tại di tích…
Dù được quan tâm, có nhiều nội dung khá phong phú tuy nhiên so với nhu cầu thì các hoạt động bảo tồn - phát huy di tích ở tỉnh ta chưa theo kịp biến động thực tế, còn thiếu những nỗ lực có tính đột phá. TX An Nhơn là nơi có nhiều di tích có giá trị cao nhưng hiệu quả công tác phát huy chưa cao. Đại diện lãnh đạo TX An Nhơn nhìn nhận: Công tác giới thiệu, quảng bá di tích trên địa bàn thị xã chưa thường xuyên, sâu rộng nên khách tham quan chỉ đến Khu di tích Chi bộ Hồng Lĩnh, Miếu Bà Nhơn Phong, Thành Hoàng Đế, Tháp Cánh Tiên.
Theo báo cáo của Sở VH&TT, cơ sở hạ tầng khá nhiều di tích chưa đáp ứng nhu cầu phục vụ như: còn thiếu nước sinh hoạt, nhà vệ sinh chưa đạt chuẩn, chưa có bản đồ hướng dẫn khách tham quan, chưa có quầy bán lưu niệm, chưa kết hợp được các chương trình biểu diễn nghệ thuật (hát bội, bài chòi) và biểu diễn võ thuật cổ truyền Bình Định.
Trên cơ sở xem di sản văn hóa là nền tảng phát triển du lịch, nhiều địa phương đã có những hoạt động cụ thể. Theo ông Bùi Văn Mỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, trong những năm qua UBND huyện Tây Sơn đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiến hành khảo sát, lập kế hoạch kết nối các tuyến đường dẫn đến các di tích, tạo thành một hệ thống thông suốt, liền mạch phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và du khách; đồng thời khảo sát lập dự án đầu tư xin Trung ương hỗ trợ vốn đầu tư tuyến đường từ thắng cảnh Hầm Hô đi Đập dâng Thác Đổ, tổ chức Hội thảo Phát triển sản phẩm du lịch Tây Sơn - Bình Định…
Tại Hoài Nhơn, Liên hoan Hội đánh bài chòi cổ dân gian huyện Hoài Nhơn được tổ chức tại Đền thờ Đào Duy Từ không những góp phần gìn giữ văn hóa truyền thống mà còn giới thiệu, phát huy giá trị di tích. Bên cạnh đó, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh như Tuy Phước, An Nhơn, Phù Cát, Vĩnh Thạnh… cũng đang tích cực thực hiện công tác quảng bá, đầu tư, tôn tạo để phát huy tốt giá trị các di tích theo định hướng đến năm 2020.
THẢO KHUY