Nhân ngày thế giới phòng, chống đái tháo đường (14.11): Nhận diện “sát thủ giấu mặt”
Hiện nay, bệnh đái tháo đường là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3 tại Việt Nam, riêng trong năm 2017 có 29.000 người chết do các nguyên nhân liên quan đến đái tháo đường. Tại Bình Ðịnh, tỉ lệ mắc bệnh đái tháo đường theo ghi nhận sơ bộ là khá cao, do vậy, chủ động phòng, chống bệnh là điều hết sức cần thiết.
Đái tháo đường (ĐTĐ) là bệnh rối loạn chuyển hóa mãn tính gây tăng đường huyết do thiếu hụt insulin, khiếm khuyết insulin hoặc cả hai. ĐTĐ được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận là bệnh đặc biệt nghiêm trọng đe dọa đến sức khỏe và sự phát triển ở tất cả các quốc gia trên thế giới. Bệnh được nhiều người gọi là “sát thủ giấu mặt”!
Bác sĩ thăm khám và tư vấn cho một bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường gây loét ở bàn chân, đang điều trị tại Khoa Nội tiết, BVĐK tỉnh.
Theo thông báo của Hiệp hội ĐTĐ thế giới, tỉ lệ mắc bệnh ĐTĐ tăng lên hằng năm, năm 1994 cả thế giới có 110 triệu người mắc bệnh, năm 1995 có 135 triệu, chiếm 4% dân số, năm 2000 có 151 triệu, năm 2010 có 221 triệu và dự báo đến năm 2025 có 330 triệu người mắc, chiếm 5,4% dân số toàn cầu.
Tại Bình Định, gần đây, trong đợt khám sàng lọc 3.000 người tại 30 cụm xã trong tỉnh do Trung tâm Phòng chống sốt rét và các bệnh nội tiết tỉnh thực hiện, kết quả tỉ lệ mắc bệnh ĐTĐ là 6,5%, tiền ĐTĐ là 10,8%. Nhóm tuổi có tỉ lệ mắc bệnh cao nhất từ 60 - 69 tuổi (chiếm 11,3%), nhóm tuổi từ 50 - 59 tuổi chiếm 8,4%, nhóm 40 - 49 tuổi chiếm 2% và nhóm 30 - 39 tuổi chiếm 0,9%.
Theo bác sĩ CKII Phạm Văn Bảo, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống sốt rét và các bệnh nội tiết tỉnh, KT-XH phát triển kéo theo vấn đề ăn uống thừa năng lượng, ít hoạt động, bên cạnh đó, sử dụng thức ăn nhanh, đồ ăn chế biến sẵn… là những nguyên nhân gây ra bệnh ĐTĐ.
Tại buổi mít-tinh hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống ĐTĐ ở huyện Hoài Nhơn, bà Đỗ Thị Vân (63 tuổi, xã Hoài Đức) chia sẻ: “Xóm tôi đã có vài người mắc bệnh ĐTĐ. Nhờ được các bác sĩ giải thích, tôi mới biết cách mình ăn uống, sinh hoạt không đúng cũng có thể khiến mắc bệnh”.
ĐTĐ có rất nhiều biến chứng nguy hiểm như: tổn thương thần kinh ngoại vi, giảm thị lực, đục thủy tinh thể, quáng gà, mù lòa, suy thận, tai biến mạch máu não; người cao tuổi mắc ĐTĐ thường có nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, rối loạn mỡ máu và đột quỵ cao hơn bình thường, dễ tử vong. Đặc biệt đối với phụ nữ có thai, nếu để mắc ĐTĐ rất dễ bị sảy thai, đẻ non…
Tại tỉnh Bình Định, trước tình hình ĐTĐ gia tăng, công tác khám sàng lọc ĐTĐ được tỉnh hỗ trợ. Cùng với đó, bộ tiêu chí quốc gia về y tế quy định các trạm y tế phải trang bị máy xét nghiệm đường huyết và thuốc trị tiểu đường, do đó, người dân có thể chủ động đến trạm y tế để được xét nghiệm sàng lọc. Ông Nguyễn Tự Trọng, Đội trưởng Đội Y tế dự phòng TTYT huyện Hoài Nhơn, cho biết: “Nhằm hạn chế bệnh ĐTĐ, bên cạnh công tác tuyên truyền, từ năm 2016, TTYT huyện đã mua sắm thiết bị xét nghiệm đường huyết trang bị cho 17 xã, thị trấn trong huyện. Xét nghiệm khám sàng lọc ĐTĐ đã được thanh toán trong BHYT”.
Bác sĩ Phạm Văn Bảo cho biết thêm, ĐTĐ được coi là “sát thủ giấu mặt” bởi triệu chứng lâm sàng của bệnh không thể hiện rõ ràng, diễn biến âm ỉ khiến nhiều người không biết mình đã mắc bệnh, đến khi thấy có triệu chứng thì đã quá muộn, có nhiều biến chứng nghiêm trọng, dẫn đến tỉ lệ tử vong cao. Để phòng, tránh bệnh ĐTĐ, bác sĩ Bảo khuyến cáo, người dân cần tăng cường vận động, có chế độ dinh dưỡng hợp lý, hạn chế rượu, bia, thuốc lá.
THẢO KHUY