Những vườn hoa văn nghệ quần chúng
Không được đào tạo bài bản nhưng các CLB văn nghệ quần chúng vẫn đóng góp, phục vụ, làm phong phú đời sống tinh thần của người dân ở cơ sở. Ðặc biệt, mấy năm gần đây, chính những CLB này là môi trường tốt để di sản bài chòi có điều kiện lan tỏa vào đời sống.
Các CLB kể trên chịu sự quản lý của nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau như CLB Phụ nữ yêu thích và bảo tồn các làn điệu hát ru, hát dân ca của Bộ CHQS tỉnh; CLB Đàn và hát dân ca xã Ân Hảo, huyện Hoài Ân do xã quản lý; 15 xã và 2 thị trấn của huyện Hoài Nhơn đều có CLB Dân ca bài chòi; CLB Dân ca Kịch Bài chòi TX An Nhơn trực thuộc Trung tâm VH-TT&TT thị xã; CLB dân ca và nhạc cụ dân tộc Bana, CLB dân ca và nhạc cụ dân tộc H’rê của huyện An Lão... Đến nay, dù chưa có thống kê chính xác số lượng CLB, nhóm văn nghệ quần chúng trong tỉnh nhưng các CLB, nhóm này được đánh giá là đa dạng và hoạt động tích cực.
CLB Dân ca Kịch Bài chòi cổ TX An Nhơn tập luyện tại nhà.
CLB văn nghệ quần chúng được thành lập không chỉ đáp ứng sở thích biểu diễn của các “nghệ sĩ vườn” mà còn phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hóa, văn nghệ của người dân. Tại nhiều địa phương, chính quyền và ngành chức năng đánh giá cao vai trò của các CLB, hỗ trợ và có định hướng rõ ràng, dài hơi để các CLB này phát triển. Điển hình như Hoài Nhơn, hiện tất cả xã, thị trấn của huyện đều có CLB bài chòi. Thậm chí, theo ông Lê Văn Tình, Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT huyện, nhiều xã đã thành lập CLB bài chòi cấp thôn nhằm thiết thực bảo tồn và phát triển di sản văn hóa này. Nhờ cách làm này Hoài Nhơn có nhiều hạt nhân tốt ở nhiều thế hệ, độ tuổi khác nhau, điển hình là gia đình chị Bùi Thị Lê Thắm.
Ông Lê Văn Tình kể: “Chị Bùi Thị Lê Thắm là nghệ nhân bài chòi tiêu biểu của huyện Hoài Nhơn, góp phần đào tạo nhiều hiệu trẻ, hiệu thiếu niên cho huyện. Ngoài ra, chị Thắm còn truyền tình yêu bài chòi cho con mình. Có thể nói, huyện Hoài Nhơn tổ chức thành công 3 kỳ liên hoan bài chòi cổ dân gian (2 năm/kỳ) với sự tham gia sôi nổi của các xã, thị trấn chính là nhờ những CLB bài chòi tích cực, những cá nhân như chị Thắm”.
Không chỉ tham gia các đợt tuyên truyền lồng ghép như: phổ biến pháp luật, chính sách mới, động viên thanh niên nhập ngũ, mừng Đảng mừng Xuân..., các CLB, nhóm văn nghệ quần chúng còn là nơi truyền lưu đến thế hệ trẻ hai ngành nghệ thuật đặc trưng của Bình Định là bài chòi và tuồng.
Được xem là nhân tố triển vọng của tuồng, bài chòi TX An Nhơn, Diễm Thy (18 tuổi), thành viên nhỏ nhất của CLB Dân ca Kịch Bài chòi cổ TX An Nhơn chia sẻ: Em vào CLB học hỏi được rất nhiều từ các cô, chú. CLB thường biểu diễn phục vụ bà con nên em cũng có điều kiện được rèn luyện, nhen nhóm tình yêu với tuồng và dân ca bài chòi nhiều hơn.
Dù điều kiện cơ sở vật chất không bằng các huyện đồng bằng nhưng Vĩnh Thạnh vẫn là địa phương bảo tồn văn hóa truyền thống tương đối khá. Các CLB cồng chiêng, múa xoang của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện hoạt động khá bài bản với sự hỗ trợ, định hướng của Trung tâm VH-TT&TT huyện, các nghệ nhân. Gần đây, Huyện đoàn Vĩnh Thạnh đã vận động và thành lập được CLB cồng chiêng thanh niên ở 8 xã, thị trấn có đồng bào Bana sinh sống, riêng xã Vĩnh Quang (xã duy nhất ở huyện Vĩnh Thạnh không có đồng bào dân tộc thiểu số định cư) Huyện đoàn thành lập CLB dân ca bài chòi. Sau khi thành lập, Huyện đoàn mời các nghệ nhân truyền dạy cho thành viên các CLB. Và điều đáng mừng là không chỉ tiếp nhận, thành viên CLB đã mạnh dạn trình diễn và được đồng bào tán thưởng nồng nhiệt.
Nhận thấy vai trò tích cực của CLB văn nghệ quần chúng, ông Nguyễn Phú, cán bộ Trung tâm VH-TT&TT huyện Tuy Phước cho biết, sắp tới bên cạnh việc thành lập 1 CLB dân ca bài chòi cấp huyện, huyện sẽ chọn 1 thôn tiêu biểu của xã Phước Nghĩa, Phước Sơn và thị trấn Tuy Phước để thành lập ở mỗi thôn 1 CLB dân ca bài chòi, đây là một trong những việc làm thiết thực để gìn giữ di sản văn hóa phi vật thể bài chòi tại địa phương.
THẢO KHUY