Trường phổ thông dân tộc nội trú Vĩnh Thạnh: Nỗ lực giảm thiểu tảo hôn
Là một trong 2 đơn vị được chọn làm mô hình điểm thực hiện Ðề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020”, sau 3 năm thực hiện, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Vĩnh Thạnh (huyện Vĩnh Thạnh) có nhiều chuyển biến tích cực.
Trong 5 năm gần đây (từ năm học 2011 - 2012 đến năm học 2016 - 2017), trong số 182 học sinh bỏ học ở cả 2 khối THCS và THPT, có 33 em bỏ học để lập gia đình. Bình quân mỗi năm ở khối THCS có 1 học sinh bỏ học để lập gia đình; con số này ở khối THPT là 5.
Những con số đáng lo
Nhằm đánh giá đúng, có cơ sở để đề xuất các biện pháp giảm thiểu tình trạng học sinh bỏ học do tảo hôn, trường đã thực hiện khảo sát tìm hiểu 300 đối tượng (260 học sinh, 17 cán bộ, giáo viên, 8 đại diện cha mẹ học sinh, còn lại là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), cán bộ Phòng Dân tộc huyện...). Kết quả, 97,4% các trường hợp tảo hôn là do học sinh có thai ngoài ý muốn. 95,1% ý kiến cho rằng vì điều kiện kinh tế của gia đình đồng bào DTTS trên địa bàn còn nhiều khó khăn, không có điều kiện cho con học tập. 83,5% ý kiến khẳng định cha mẹ của học sinh DTTS không ngăn cản được việc con muốn nghỉ học để tảo hôn vì tâm lý nuông chiều theo ý con.
Mặt khác, 73,6% học sinh không biết đến các quy định, chính sách liên quan đến hôn nhân, gia đình. Công tác tuyên truyền, vận động chưa thường xuyên và hiệu quả. 37,2% học sinh cho biết không biết, không hiểu rõ về tầm quan trọng của việc học kiến thức pháp luật về hôn nhân và gia đình. 41,9% ý kiến trả lời không đúng độ tuổi được pháp luật cho phép kết hôn. 63,4% ý kiến trả lời không đúng về điều kiện cụ thể để kết hôn theo quy định của pháp luật...
Cuộc khảo sát cũng chỉ ra các chế tài xử phạt vi phạm hôn nhân chưa đủ mạnh để ngăn ngừa, răn đe tình trạng học sinh tảo hôn. Khi được hỏi địa phương có xây dựng hương ước, quy ước có nội dung liên quan đến quy định về phòng, chống, xử phạt học sinh tảo hôn, 62,7% câu trả lời là có; 42,6% ý kiến cho biết hình thức xử phạt chủ yếu là nộp gia súc, gia cầm.
Tuyên truyền, tác động tâm lý
Một trong những biện pháp nhằm giảm thiểu tình trạng học sinh bỏ học do tảo hôn mà Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Vĩnh Thạnh đặt ra là nâng cao nhận thức cho cha mẹ học sinh và học sinh về tầm quan trọng của giáo dục và pháp luật về hôn nhân gia đình.
Năm học 2017 - 2018, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Vĩnh Thạnh không có học sinh bỏ học để lập gia đình ở bậc THCS, riêng khối THPT có 2 em (giảm 3 em so với bình quân các năm học trước).
Trong 3 năm thực hiện đề án, trường đã phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh, các ngành liên quan xây dựng các hoạt động tuyên truyền ngăn ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống bằng nhiều hình thức như: hội nghị chuyên đề, hội thi, tọa đàm. Tọa đàm “Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Vĩnh Thạnh nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” ngày 6.11 vừa qua là một ví dụ. Tại tọa đàm, những người thành đạt, người uy tín trong cộng đồng DTTS huyện Vĩnh Thạnh đã dành câu chuyện chân thật, những lời khuyên bổ ích để hơn 400 học sinh ở bậc THCS và THPT hiểu hơn về giá trị của học tập, các hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, những nét đẹp trong văn hóa hôn nhân của người Bana Kriêm cần được gìn giữ...
Bên cạnh đó, trường cũng tập trung vào công tác tư vấn riêng, xây dựng Tổ tư vấn tâm lý và giáo dục kỹ năng sống, hộp thư tư vấn dành cho học sinh. Giữ vai trò quan trọng trong công tác tư vấn riêng là đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, thành viên tổ tư vấn, cán bộ Đoàn, Đội.
Cô Hồ Thị Thanh Tuyền, chủ nhiệm lớp 10A1, cho biết: “Tùy vào tình hình lớp chủ nhiệm là cấp THCS hay THPT mà chúng tôi có định hướng tuyên truyền phù hợp. Trong đó, tập trung vào cung cấp kiến thức cho các em; khảo sát và phân loại học sinh để có hướng can thiệp phù hợp. Nhóm học sinh có nguy cơ nghỉ học cao sẽ được theo dõi sát sao về ngày nghỉ, phân công học sinh ở cùng làng, học sinh chơi thân với các em giúp đỡ, khuyên nhủ, hướng các em vào các hoạt động tập thể...”.
Thầy Lê Văn Dưỡng, giáo viên ngữ văn, nguyên là Tổ trưởng Tổ tư vấn tâm lý và giáo dục kỹ năng sống, chia sẻ: “Học trò DTTS nhận thức về mối quan hệ với bạn khác giới rất đơn giản, coi kết hôn sớm là việc tương đối bình thường. Để tư vấn thành công, người tư vấn phải tạo được sự tin tưởng. Một trong những trường hợp can thiệp, tư vấn mà tôi nhớ nhất là một sinh nam cá biệt, vì xấu hổ với việc học dở, có khả năng ở lại lớp mà lôi kéo bạn gái là học sinh học lực tốt cùng nghỉ học. Phát hiện kịp thời, tôi đã khuyên nhủ em cần phấn đấu học tập để xứng đáng hơn với bạn nữ, để được thầy cô, bạn bè yêu mến. Sau một quá trình cố gắng, em đã thi lại và đủ điều kiện để lên lớp”.
NGUYỄN MUỘI