Bụi phấn không rơi trên tóc cô
Trong các môn học tôi ghét nhất là Thể dục, chỉ toàn quơ tay múa chân, chạy nhảy… có gì hay ho đâu. Nếu tôi có một vóc dáng cao lớn, có lẽ tôi không đến nỗi ghét môn học này đến vậy. Nhưng bộ dạng tôi trục lúc như hạt mít nên không bao giờ vượt qua điểm năm khi nhảy cao, nhảy xa, còn nếu chạy cự ly ngắn, chạy bền thì càng… hoảng.
Cứ nghĩ kém Thể dục chẳng ảnh hưởng gì đến tri thức của mình, lại ghét nên tới tiết Thể dục, tôi cứ ra rả nói chuyện, chẳng sợ không tiếp thu được thì hỏng kiến thức. Đến năm lớp 12, thì tôi gần như không biết gì môn học này. Nhưng giáo viên thể dục lại là người nghiêm túc. Cô không buồn để ý đến những tiếng thì thào dè bỉu, môn học phụ, rớt thể dục có chết đâu, dạy thể dục mà bày đặt… mỗi lần cô thị phạm động tác xong, cả lớp phải làm lại đến chính xác, cô gọi những bạn làm sai đứng trước lớp và phải làm lại cho đến kỳ được mới thôi. Và y như rằng, tôi luôn phải đứng trước lớp cho cô sửa động tác, chúng bạn cười rần rật làm tôi… ê cả mặt.
Tôi còn nhớ tiết học ném tạ hôm đó. Tôi vì không lưu tâm lời cô phải đứng yên ở khu vực chuẩn bị, không được chạy nhảy lung tung nên mải đùa giỡn rồi vùng chạy khỏi nơi “tập kết”, kết quả đã bị bạn phóng một quả tạ 3 kg trúng hông. Cô chạy lại đỡ tôi dậy, chỗ bị trúng tạ bầm tím ngay, tôi đau đến không nói nên lời. Tôi phải nghỉ buổi học hôm sau. Dù cả tôi và ba mẹ đều nói không sao nhưng cô nhất định phải chở tôi đi chụp X - quang mới yên tâm. Dọc đường đi về, cô thủ thỉ: “Làm việc gì cũng hết sức tập trung, một chút bất cẩn thì hậu quả sẽ lớn lắm em ạ! May là quả tạ chỉ trúng vào phần mềm, chứ vào đầu cô biết ăn nói sao với gia đình em, với nhà trường!..”. Từng chút một chút một như vậy đến khi quay lại nhà thì tôi chợt nhận ra mình không còn ghét cô nữa. Không ghét cô nhưng vẫn không thích học Thể dục.
Có lẽ do bị trúng tạ nên sức khỏe tôi sút giảm, ít lâu sau tôi lại đau, phải nằm nhà nghỉ mất mấy ngày. Cô lại đến tận nhà thăm tôi. Suốt 12 năm phổ thông, đó là lần đầu tiên và cũng là duy nhất tôi được giáo viên đến thăm nhà, mà lại là thăm đau. Lúc tiễn cô về, tôi rất ngạc nhiên khi thấy cô đi bộ.
- Cô thích đi bộ, cũng như tập thể dục vậy. Nhà cô cách đây cũng đâu xa xôi gì, chừng mươi mười lăm phút đi bộ chớ mấy. Em không thấy cô luôn tới trường bằng xe đạp hả? Khỏe lắm đó, thể tạng em không được tốt, nếu chịu khó vận động, tập hít thở đúng phương pháp sẽ rất tốt.
Chỉ bấy nhiêu mà tự dưng tôi mủi lòng rồi nước mắt cứ thế chảy dài, thấy thương cô vô cùng và tự giận mình sao bất nhẫn khi xem thường môn học của cô. Chuyển biến nơi tôi tác động đến nhiều bạn bè, những tiết Thể dục của bọn tôi bỗng nhiên vui và rộn ràng kinh khủng và cùng với những nụ cười, mồ hôi của cô tôi cũng đổ ra nhiều hơn. Sau hôm đó, tôi hiểu rằng, thật sự không có môn học nào là phụ, không có kiến thức giáo khoa nào là không cần thiết. Và Thể dục là môn mà người ta sẽ học, sẽ luyện tập cả đời, bởi như cô nói “một tinh thần minh mẫn chỉ có trong một cơ thể khỏe mạnh”.
Tôi bây giờ đã là cô giáo, tôi dạy ở chính ngôi trường cũ của mình, còn cô giáo tôi đã chuyển đến nơi khác sinh sống, nhưng tôi và bạn bè vẫn nhớ cô với tình cảm thiết tha yêu thương. Cô Nguyễn Thị Thanh ơi, ngày xưa cô bảo “tôi dạy Thể dục, không được học trò hát “Bụi phấn” để tri ân…” nhưng thưa cô, với chúng em những giọt mồ hôi trên trán, trên má cô là hình ảnh tuyệt đẹp.
NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN