TRÊN DIỄN ĐÀN QUỐC HỘI
Người giải quyết khiếu nại, tố cáo phải chú trọng thái độ, phương pháp
Ngày 14.11, tiếp tục Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Tham gia thảo luận, Phó Trưởng Ðoàn ÐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh quan tâm đến hiệu lực, hiệu quả của công tác này.
Đại biểu Lý Tiết Hạnh phát biểu thảo luận tại hội trường ngày 14.11.
Phải nhìn nhận đầy đủ, chính xác
Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) năm 2018 của các bộ, ngành, địa phương có chuyển biến tốt hơn so với một số năm trước. Chính phủ và nhiều địa phương đã quan tâm xây dựng thể chế, ban hành nhiều văn bản chấn chỉnh, tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC. Đặc biệt, Thủ tướng, Phó Thủ tướng Thường trực đã chủ trì nhiều cuộc họp giữa các bộ, ngành và địa phương để trực tiếp chỉ đạo giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài được dư luận quan tâm.
“Trước đây, KNTC chủ yếu bằng đơn, thư. Nay, với những vấn đề dân sinh bình thường cũng có thể tiềm ẩn tình trạng nảy sinh tụ tập đông người, phản ứng tập thể có tính chất lây lan; có tình trạng xúi giục, lôi kéo. Chính phủ cần có định hướng chỉ đạo và các giải pháp chủ động giải quyết những vấn đề mới này”.
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh LÝ TIẾT HẠNH
Báo cáo của Chính phủ khẳng định công tác tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý đơn thư KNTC trong năm 2018 đều tăng so với năm 2017. Tuy nhiên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh cho rằng, khi đối chiếu với kết quả giải quyết cho thấy tỉ lệ đơn đủ điều kiện xử lý rất thấp. Đồng thời, qua xử lý, giải quyết các vụ việc KNTC cụ thể cho thấy KNTC đúng hoặc có đúng, có sai thấp hơn nhiều so với tỉ lệ KNTC sai như các báo cáo đã nêu.
“Cần tập trung phân tích sâu hơn các số liệu để đánh giá, nhìn nhận đầy đủ và chính xác hơn thực trạng công tác KNTC hiện nay. Từ đó có giải pháp cụ thể để giải quyết”, bà Hạnh nói.
Hiện nay, việc thực hiện Chính phủ điện tử và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thống kê trên lĩnh vực KNTC đã triển khai nhưng chưa rõ, chưa rộng, chưa sâu. Đại biểu Hạnh đề nghị trong thời gian tới, cần làm tốt hơn công tác thống kê, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin và triển khai sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia trên lĩnh vực KNTC.
Không để đơn “chạy lòng vòng”
Báo cáo của Chính phủ đã nêu một trong những hạn chế, yếu kém là việc giải quyết KNTC thuộc thẩm quyền của một số địa phương còn chậm. Tuy nhiên, chưa phân tích rõ nguyên nhân của tình trạng giải quyết kéo dài, quá thời hạn quy định, giải quyết chưa đúng trình tự thủ tục, chính sách pháp luật, chưa phù hợp với thực tiễn.
Từ thực tiễn địa phương, đại biểu Lý Tiết Hạnh cho rằng vấn đề này có nhiều nguyên nhân, trong đó có những vụ việc chậm do các địa phương đã giải quyết thấu tình đạt lý, nhưng công dân vẫn có tâm lý muốn chuyển đơn đến các cơ quan Trung ương. “Các cơ quan Trung ương đôi khi chỉ chuyển một văn bản về địa phương, đồng thời gửi cho công dân có khiếu nại. Công dân căn cứ vào văn bản đó để tiếp tục đến các cơ quan hành chính nhà nước tại địa phương khiếu nại. Cứ lòng vòng chuyển đơn như thế rất phức tạp, làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết KNTC của các địa phương”, bà Hạnh phân tích.
Chú trọng thái độ, phương pháp
Báo cáo của Chính phủ dành riêng một phần đánh giá về phẩm chất, trình độ, năng lực của cán bộ, công chức làm công tác giải quyết KNTC. Đại biểu Lý Tiết Hạnh đề nghị cần đánh giá thêm về tinh thần, thái độ, phương pháp làm việc của đội ngũ này. “Từ thực tiễn các địa phương, có vụ việc người dân bức xúc không phải vì không hiểu, không thông với kết quả giải quyết, mà bức xúc từ thái độ, phương pháp làm việc của đội ngũ cán bộ giải quyết KNTC”, bà Hạnh nói.
Tham gia đợt kiểm tra tình hình thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và công tác dân vận chính quyền năm 2018 đang được thực hiện tại các địa phương trong tỉnh, không khó để nhận ra điểm hạn chế của cán bộ cơ sở. Cán bộ tiếp dân nhưng không ghi chép cụ thể nội dung, hướng giải quyết cũng như hướng dẫn người dân quy trình thực hiện KNTC khi cấp xã không đủ thẩm quyền giải quyết.
Đại biểu Hạnh kiến nghị Chính phủ cần đánh giá toàn diện hơn về vấn đề này. Mặt khác, người KNTC, người bị KNTC và người giải quyết KNTC cần có quyền bình đẳng trước pháp luật; do đó cần xử lý nghiêm những công dân KNTC sai. Phải làm nghiêm túc để công tác giải quyết KNTC cũng như quyền KNTC của người dân được đảm bảo công bằng, theo tinh thần thượng tôn pháp luật.
MAI LÂM - SỸ NGUYÊN
Vấn đề đại biểu nêu rất đúng tình hình, nhưng biết mà chưa đủ.