Chạy đua “giữ chân” thuê bao di động
Ngày 16.11, dịch vụ chuyển mạng viễn thông di động mặt đất giữ nguyên số (Mobile Number Portability) chính thức khởi động. Theo các nhà mạng, ngoài yếu tố kỹ thuật, thì chính sách ưu đãi giá cước, dịch vụ chăm sóc khách hàng sẽ quyết định việc “giữ chân” khách hàng sử dụng thuê bao điện thoại di động.
Tư vấn khách hàng sử dụng dịch vụ chuyển mạng giữ số tại Trung tâm Kinh doanh VNPT Bình Ðịnh.
Dịch vụ chuyển mạng viễn thông di động mặt đất giữ nguyên số là dịch vụ cho phép thuê bao di động có khả năng chuyển đổi DN cung cấp dịch vụ trong khi vẫn giữ được số điện thoại (bao gồm cả mã mạng và số thuê bao). Theo Bộ TT&TT, dịch vụ chuyển mạng giữ số được triển khai sẽ tạo dựng môi trường cạnh tranh tương tự như nhiều nước trên thế giới; đồng thời, giúp các DN viễn thông có kinh nghiệm phát triển kinh doanh ra các nước trong quá trình hội nhập quốc tế, tạo ra xu hướng cá thể hóa số điện thoại, góp phần thúc đẩy phát triển các dịch vụ ứng dụng viễn thông, giá trị gia tăng đi kèm. Chính sách này đã được thực hiện ở 110 quốc gia.
Thử nghiệm với thuê bao trả sau
Chiều 13.11, họp báo kế hoạch triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ số, Bộ TT&TT cho biết dịch vụ chuyển mạng giữ số thuê bao di động chia thành 2 giai đoạn: từ ngày 16.11, ba nhà mạng lớn là Viettel, VinaPhone, MobiFone cung cấp dịch vụ cho thuê bao di động trả sau; đầu năm 2019 mới áp dụng cho thuê bao trả trước, và có thêm nhà mạng Vietnamobile tham gia; riêng nhà mạng Gtel vẫn chưa có kế hoạch.
Ngày 14.11, hai nhà mạng Viettel, MobiFone công bố mức phí chuyển đổi là 60.000 đồng/lần; nhà mạng VinaPhone đến ngày 15.11 mới cho biết mức phí này, nhưng xu hướng không cao hơn mức hai nhà mạng trước.
Đến thời điểm này, các nhà mạng đều khẳng định công tác chuẩn bị cho thời điểm bắt đầu dịch vụ chuyển mạng giữ số đã sẵn sàng. Lý giải cho việc mới áp dụng chuyển mạng giữ số các thuê bao di động trả sau, đại diện các nhà mạng cho rằng, đây là bước thử nghiệm để đánh giá dịch vụ, trước khi dịch vụ triển khai đồng loạt. “Trên thực tế, lượng thuê bao trả sau chỉ chiếm rất ít, chưa đến 10% tổng thuê bao điện thoại di động, thử nghiệm để đánh giá các vấn đề liên quan hệ thống kỹ thuật, tránh xảy ra sự cố quá tải do triển khai đồng loạt. Đồng thời, thuê bao di động trả sau cũng đảm bảo đầy đủ thông tin và tính pháp lý hơn thuê bao trả trước”, đại diện một nhà mạng có lượng thuê bao di động lớn trên địa bàn tỉnh thông tin.
Đối với cách thức thực hiện chuyển mạng giữ số, các nhà mạng đều cho biết sẽ rất đơn giản trong trường hợp thuê bao đầy đủ thông tin và tính pháp lý. Theo ông Nguyễn Quang Khải, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh VNPT Bình Ðịnh, dịch vụ chuyển mạng giữ số thực hiện theo mô hình cơ sở dữ liệu tập trung. Khách hàng chỉ cần đăng ký thông tin với nhà mạng mới cần chuyển, hoặc chỉ cần nhắn tin thì nhà mạng sẽ tự kiểm tra, đối soát thông tin pháp lý của thuê bao với nhà mạng cũ. Các nhà mạng sẽ cập nhật thông tin về thuê bao chuyển mạng tại cơ sở dữ liệu tập trung về hệ thống thiết bị của mình để phục vụ cho việc định tuyến cuộc gọi, tin nhắn đến các thuê bao đã chuyển mạng. Việc chuyển đổi mạng giữ nguyên số sẽ được thực hiện trên phạm vi toàn quốc.
“Các thuê bao di động không bị hạn chế số lần chuyển mạng, bao gồm cả chuyển đến mạng mới và chuyển về mạng cũ, chỉ cần đảm bảo giữa hai lần cách nhau 90 ngày”, ông Khải cho hay.
Chất lượng dịch vụ quyết định đi - ở
Chuyển mạng giữ số đem lại quyền lựa chọn nhà cung cấp có chất lượng dịch vụ và lợi ích phù hợp hơn cho khách hàng, thúc đẩy tính cạnh tranh của thị trường viễn thông. Trong bối cảnh cạnh tranh thị trường di động gay gắt hiện có giữa các nhà mạng, dịch vụ chuyển mạng giữ số tiếp tục gia tăng thêm áp lực chạy đua “giữ chân” thuê bao di động. Chính các DN viễn thông cũng khẳng định, việc triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số là động lực cho DN tăng cường năng lực cạnh tranh của mình bằng cách nâng cao chất lượng dịch vụ, chăm sóc khách hàng, nhất là các khách hàng gắn bó lâu năm. Đây có thể coi là một kênh phát triển thuê bao trong bối cảnh thị trường viễn thông di động đang dần bão hòa.
Việc triển khai dịch vụ này nhằm đảm bảo quyền lợi người sử dụng dịch vụ viễn thông, thúc đẩy cạnh tranh đối với cung cấp dịch vụ viễn thông trên toàn bộ thị trường. Đại diện nhà mạng Viettel cho rằng, trong cuộc đua này, ngoài yếu tố kỹ thuật như chất lượng mạng, vùng phủ sóng, chất lượng dịch vụ và phục vụ với các khâu chăm sóc khách hàng, chính sách hậu mãi... sẽ mang tính quyết định để khách hàng đi hay ở với nhà mạng, cũng như khả năng thu hút khách hàng mới từ chuyển mạng. Đây cũng là điều kiện buộc các nhà mạng phải đặt chất lượng dịch vụ lên hàng đầu, phải làm dịch vụ và phục vụ chuyên nghiệp hơn.
Rõ ràng, đợt chuyển mạng giữ số ngày 16.11 mang tính khởi động với số lượng rất ít thuê bao trả sau, chưa thể đánh giá đúng bản chất của dịch vụ này; nhưng bước khởi động này cũng là “thuốc thử”. Dù chưa công bố, nhưng đến nay các nhà mạng đều cho biết đã lên chính sách chất lượng dịch vụ và phục vụ khách hàng. “Chuyển mạng giữ số được coi là thách thức, nhưng cũng là cơ hội cho VinaPhone thu hút thêm khách hàng mới, cùng với nỗ lực cải tiến nhằm giữ chân các khách hàng hiện tại”, ông Khải nhận định.
MAI HOÀNG