Làm rõ tiêu chí để lựa chọn quản lý các loại kiến trúc
Chiều 14.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Kiến trúc.
Theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, công nghệ và Môi trường của Quốc hội, hiện nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có luật về hành nghề kiến trúc. Các sản phẩm kiến trúc gồm kiến trúc công trình, kiến trúc không gian phục vụ con người, phát triển văn hóa xã hội góp phần thể hiện sắc thái văn hóa không chỉ riêng của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc mà còn cả của từng vùng, miền, địa phương.
ĐB Nguyễn Văn Cảnh tham gia thảo luận tại hội trường chiều 14.11.
Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước, khắc phục những bất cập, yếu kém trong hoạt động kiến trúc hiện nay, góp phần định hướng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế thì việc ban hành Luật Kiến trúc là rất cần thiết.
Góp ý về dự án Luật Kiến trúc, ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn Bình Định) cho rằng một trong những nguyên tắc cần thiết của hoạt động kiến trúc là phải tuân thủ quy chuẩn, quy hoạch xây dựng, quy chế quản lý kiến trúc. Do đó, ĐB Cảnh đề nghị cơ quan soạn thảo cần đưa các quy định đã ổn định lâu dài ở các quy chế xây dựng vào dự án Luật Kiến trúc, nhằm nâng cao tính pháp lý của các quy định về kiến trúc.
Nhìn nhận ở góc độ khác, theo ĐB Nguyễn Hữu Đức (Đoàn Bình Định), các nguyên tắc quy định trong dự thảo Luật Kiến trúc cần nhưng chưa đủ, vì chủ yếu mới đáp ứng yêu cầu “an toàn” cho hoạt động kiến trúc hơn là đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn trong thời đại trí tuệ, hiện đại, thông minh. Đó là tính “sáng tạo” gắn với “điểm nhấn”, với những công trình kiến trúc truyền thống mang bản sắc riêng của văn hóa Việt. Từ đó, ĐB Đức đề nghị cần bổ sung nguyên tắc khuyến khích sự sáng tạo, say mê trong hoạt động kiến trúc.
Về quản lý kiến trúc, chương II dự thảo Luật chủ yếu quy định tập trung vào 3 nhóm: kiến trúc đô thị, kiến trúc tại phố cổ, kiến trúc nông thôn. Tuy nhiên, theo ĐB Đức, các quy định về tiêu chí để lựa chọn quản lý các loại kiến trúc còn chưa rõ. Dẫn chứng về các loại hình kiến trúc cần quản lý của Luật Kiến trúc ở một số nước như Ucraina, Hàn quốc, ông đề nghị ban soạn thảo cần rà soát lại để quy định phù hợp hơn.
“Những năm gần đây, quá trình đô thị hóa với tốc độ ngày càng cao, số lượng thị trấn, thị xã, thành phố thuộc tỉnh cũng tăng thêm. Điều này đòi hỏi hoạt động kiến trúc cũng phải theo sát mới kịp bắt nhịp sự tăng trưởng rất sôi động này, tuy nhiên đáng tiếc là trong dự thảo luật mới chỉ quy định những nội dung gì thuộc về hiện hữu”, ông Đức nói.
Ngoài ra, ĐB Nguyễn Hữu Đức và Nguyễn Văn Cảnh còn có một số góp ý khác về các nội dung liên quan đến yêu cầu đối với kiến trúc tại khu phố cổ (Điều 8); về Hội đồng Kiến trúc quốc gia (Điều 13); về hành nghề kiến trúc (Chương III)…
SỸ NGUYÊN