Có nên tiếp tục tổ chức kỳ thi để cấp bằng tốt nghiệp THPT?
Với tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT gần 100% thì việc tổ chức kỳ thi không còn nhiều ý nghĩa. Phải thay đổi theo hướng nào?
Quốc hội đang thảo luận về Luật Giáo dục sửa đổi. Nhiều chuyên gia, nhà khoa học, các đại biểu Quốc hội cho rằng: cần có nhiều cơ sở trường học ở các vùng khó khăn hơn nữa để các em không phải đi xa, tiếp cận được với con chữ. Các ý kiến cũng cho rằng: việc tổ chức kỳ thi để cấp bằng tốt nghiệp THPT là cần thiết để điều chỉnh việc dạy học và đánh giá kết quả của quá trình giáo dục phổ thông.
Liên quan việc tổ chức kỳ thi để cấp bằng tốt nghiệp THPT nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng vẫn cần thiết để điều chỉnh việc dạy học và đánh giá kết quả của quá trình giáo dục phổ thông. Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nêu ra thực tế việc cấp bằng tú tài hiện nay không có ý nghĩa khi 98,2% tốt nghiệp THPT.
Tán thành với việc cấp bằng và giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho rằng: “Kỳ thi vừa qua chúng ta đưa số tốt nghiệp phổ thông lên 98,2% nhưng nhìn số điểm trượt 40%. Thời chúng tôi đi học vào giờ kiểm tra là ghi học bạ nhưng bây giờ học bạ không có giá trị gì nữa. Cho nên phải có chuyện lưu ban, có chuyện học bạ đúng và những điều đó quyết định chất lượng giáo dục. Nếu như hiện nay Bằng tú tài chẳng nghĩa lý gì cả. Tôi đề nghị có giấy chứng nhận học hết cấp đó và có quyền đi xin việc làm, còn thi là thi, bằng phải có giá trị”.
Các vấn đề về kỳ thi THPT quốc gia, chính sách ưu tiên với ngành sư phạm được các đại biểu đưa ra bàn thảo. (Ảnh minh họa)
Trao đổi bên hành lang Quốc hội, các đại biểu tán thành với chính sách không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh trung học công lập và hỗ trợ đóng học phí đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục. Đồng thời, đề nghị quy định rõ hơn về lộ trình thực hiện chính sách, trong đó đặt ra yêu cầu, thời điểm và điều kiện triển khai thực hiện chính sách học phí đối với người thuộc diện phổ cập giáo dục này.
Đại biểu Trần Tất Thế, đoàn Hà Nam cho rằng, đối với giáo dục tại vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi còn nhiều người dân nghèo, đã có nhiều chính sách miễn học phí theo từng vùng. Tuy nhiên, cần có nhiều cơ sở trường học ở các vùng khó khăn hơn nữa để các em không phải đi xa, tiếp cận được với con chữ.
"Mặc dù có hỗ trợ nhưng tiếp cận vẫn khó khăn. Mức sống của người nghèo với xã hội chênh lệch khá xa. Khó có khả năng về việc đóng góp. Đề nghị phải có sự đầu tư giáo dục ở vùng sâu vùng xa, để thu hút học sinh ở đó. Xây dựng trường tại miền núi để đảm bảo tương xứng ở thành phố để tạo nguồn nhân lực ở vùng sâu vùng xa, tạo nguồn nhân lực đồng đều", đại biểu Thế cho biết.
Về quy định đối với sinh viên sư phạm, các đại biểu đề nghị quy định rõ việc quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm, chương trình đào tạo, quy mô đào tạo gắn với điều kiện bảo đảm chất lượng. Dự báo nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực, tạo điều kiện cho sinh viên sư phạm ra trường có cơ hội tìm được việc làm. Đồng thời đề nghị giữ lại quy định miễn học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm và chế độ phân công công tác theo kết quả đầu ra để thể hiện chính sách ưu tiên, quy hoạch của Nhà nước trong việc đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn Hà Nội thì: việc tự chủ Đại học thời gian qua chỉ là thí điểm, qua đó các trường được tự quyền khai thác các tiềm năng, thế mạnh, nội lực để phát triển. Tự chủ trong mở ngành, xây dựng các chương trình đào tạo để chương trình phù hợp, đáp ứng nhu cầu xã hội, tiếp cận ngay xu hướng mới trên thế giới. Tuy nhiên, khó khăn trong thời gian qua là phân định giữa quản lý nhà nước và quản trị các cơ sở đại học chưa phân định rõ.
Đại biểu Cường cho rằng: “Có nhiều cái mặc dù nói là tự chủ, đáng ra các trường tự quyết nhưng vẫn phải phụ thuộc cơ quan nhà nước. Thứ hai, ngay bản thân trong nội bộ các trường, việc phân định là trách nhiệm của Hội đồng trường với với vai trò của hiệu trưởng thực thi việc quản trị chưa rõ ràng. Có nơi Hội đồng trường can thiệp quá sâu vào công việc quản trị, tác nghiệp, có những nơi Hội đồng trường không can thiệp gì. Thứ ba, có những vướng mắc, không nằm trong nội bộ của ngành giáo dục mà nằm trong các luật pháp khác, điển hình như Luật đầu tư công”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị làm rõ chính sách phân tầng, chia sẻ và cơ chế thị trường: “Ở đây chúng ta mở thêm, hỗ trợ cho cả tư thục thì phải phân tầng. Do đó phải tính toán cơ chế phân tầng. Thứ hai, phải thực hiện cơ chế thị trường xã hội hóa, nếu tư duy bao cấp thì không thể phát triển giáo dục, ngân sách nhà nước không thể đủ sức bao cấp mà phải có sự đóng góp của toàn dân thì mới có thể phát triển, mở mang giáo dục. Thứ ba là phải chia sẻ giữa các điều kiện kinh tế. Cho nên 3 chính sách phân tầng, chia sẻ và cơ chế thị trường phải làm rõ”.
Luật giáo dục (sửa đổi) lần này phải thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Bởi vậy, cần tiếp tục nghiên cứu việc cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông và giấy chứng nhận hoàn thành chương trình đào tạo;huy động nguồn lực xã hội để giảm gánh nặng ngân sách trả lương cho giáo viên. Đối với các trường đại học tự chủ phải thực hiện nguyên lý tự quản, có cơ chế tập thể, thực quyền, quy định rõ quyền về xác định vấn đề chiến lược, tài chính và quản về nhân sự./.
Theo Lại Hoa (VOV1)