Ứng dụng công nghệ thông tin ở hệ thống thư viện huyện, xã: Mở cửa ra “biển lớn”
Sau rất nhiều năm hoạt động hoàn toàn thủ công, từ giữa năm 2017 đến nay, nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, hệ thống thư viện huyện và một số thư viện xã trong tỉnh đã bước vào một giai đoạn khởi sắc mới.
Hiện tại, tất cả 10 thư viện (TV) huyện, thị xã (gọi chung là TV huyện) và 4 TV xã, thị trấn - đều ở huyện Hoài Nhơn gồm: thị trấn Tam Quan, xã Hoài Mỹ, xã Hoài Hương và TV của HTXNN Ngọc An ở xã Hoài Thanh Tây (gọi chung là TV xã), các hoạt động nghiệp vụ và phục vụ bạn đọc đều thực hiện bằng máy tính nối mạng, quản lý bằng phần mềm chuyên dụng.
Hướng dẫn bạn đọc thiếu nhi tìm sách bằng phần mềm máy tính tại TV huyện Tuy Phước.
Chọn khai thác sử dụng phần mềm mã nguồn mở Openbiblio với nhiều ưu điểm và phù hợp cho TV huyện, TV xã, từ tháng 6.2017, TV tỉnh tiến hành lắp đặt, tập huấn sử dụng cho 10 TV huyện để triển khai hoạt động tại địa phương. Nhận thấy hiệu quả rõ rệt từ việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động, 4 TV xã trên chủ động xin tham gia và được TV tỉnh hỗ trợ trong năm 2018.
Theo một số cán bộ TV huyện, TV xã, nhờ ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động, các khâu nghiệp vụ vốn mất nhiều thời gian như: biên mục, phân loại, quản lý tài liệu, không còn phải làm thủ công nữa; cán bộ TV có thời gian để tập trung phục vụ bạn đọc tốt hơn. Còn bạn đọc, trước khi đến TV để đọc, mượn sách, có thể ở nhà lên mạng tìm sách mình cần, đặt mượn (giữ chỗ tài liệu), gia hạn, xem nhật ký mượn - trả của cá nhân, sửa đổi thông tin cá nhân… Cách thức tiếp cận TV của bạn đọc thuận lợi hơn, ngược lại TV cũng có thể biết chính xác nhu cầu của từng bạn đọc.
Bạn đọc Trần Ca Mi ở huyện Tuy Phước cho biết: “Vừa qua tôi có việc cần đến loại sách về địa chí, lịch sử, văn hóa địa phương nhưng băn khoăn không biết ở TV huyện có không. Được biết TV huyện Tuy Phước đã hòa mạng, tôi liền vào tra cứu, gõ tài liệu cần thì có ngay kết quả hiện có 2 đầu sách, mỗi đầu 5 bản, tình trạng sẵn sàng. Tôi yên tâm đến mượn, vừa được việc, tiết kiệm thời gian và lòng cảm thấy vui vì ứng dụng mới hỗ trợ bạn đọc rất nhiều”.
Theo bộ phận công nghệ thông tin của TV tỉnh, chi phí cho việc triển khai ứng dụng Openbiblio hầu như không đáng kể. Tận dụng hạ tầng sẵn có từ Dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập internet công cộng tại Việt Nam” (mỗi TV huyện được trang bị 10 máy tính nối mạng, mỗi TV xã được 5), các TV chỉ đầu tư thêm máy quét mã vạch khoảng trên dưới 1 triệu đồng là đủ. Kể cả trong trường hợp TV nào không có kinh phí để đầu tư thêm thiết bị trên, TV tỉnh sẽ cung cấp giải pháp sử dụng điện thoại thông minh để thay thế. Việc ứng dụng phần mềm quản lý TV giúp cung cấp được mục lục liên hợp giữa các TV trong hệ thống, bất cứ một TV nào trong hệ thống đã xử lý thư mục tài liệu nào thì các TV còn lại được kế thừa ngay. Ngoài ra còn giúp TV tỉnh thống kê được số liệu: tổng số bản sách, tên sách, sách bổ sung hàng năm, số lượng bạn đọc, lượt phục vụ tài liệu… của TV huyện và cơ sở.
Quan trọng hơn cả là việc hiện đại hóa hoạt động TV đã tăng sức hút bạn đọc, cải thiện hiệu quả hoạt động cho thiết chế này. Đây cũng là giải pháp tạm thời ít tốn kém trong điều kiện các TV huyện, xã chưa đủ khả năng về kinh phí và nguồn nhân lực đảm bảo cho các hoạt động chuyên nghiệp.
Đến nay, không chỉ ứng dụng công nghệ thông tin cho 14 TV huyện, TV xã trong tỉnh, TV tỉnh còn hỗ trợ cho 14 TV huyện ngoài tỉnh, gồm 1 TV huyện ở Thừa Thiên - Huế và 13 TV huyện ở Đắk Lắk. Dự kiến trong năm 2019, đơn vị này tiếp tục hỗ trợ cho một số TV huyện khác. Trong quá trình giúp đỡ, hợp tác giữa ngành TV một số địa phương trên, họ đã đóng góp nguồn nhân lực để hình thành “Cộng đồng hỗ trợ biên mục Openbiblio” trên Facebook, có trách nhiệm hỗ trợ, hướng dẫn, biên mục cho cán bộ, nhân viên TV huyện, TV xã đang sử dụng phần mềm Openbiblio. Tài liệu đào tạo, video clip hướng dẫn sử dụng được cung cấp trên Facebook, Youtube để thủ thư có thể học trực tuyến.
SAO LY