Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia có gây thiệt hại kinh tế?
Theo kế hoạch sáng nay (16.11), Quốc hội tiếp tục thảo luận tại nghị trường về Dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia đang trong đợt cao điểm đóng góp ý kiến tại Quốc hội. Không chỉ là chủ đề nóng tại các phiên thảo luận tại Quốc hội, Dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia sau khi được Bộ Y tế trình trước Quốc hội sáng 9.11 vừa qua, cũng đã thu hút quan tâm của dư luận và đón nhận các luồng ý kiến trái chiều, thậm chí là tranh cãi gay gắt. Có thể nói dự thảo luật này là sự đan xen về các lợi ích, đặc biệt là lợi ích về sức khỏe và lợi ích về kinh tế.
Trên quan điểm về phát triển xã hội, người ta sẽ có cái nhìn khác. Còn trên quan điểm phát triển kinh tế bằng mọi giá, quên đi cả những khía cạnh về sức khỏe người ta lại có cái nhìn khác.
Hội thảo đánh giá tác động kinh tế-xã hội liên quan đến Dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Đa số tán thành ban hành Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia
Tại Hội thảo đánh giá tác động kinh tế-xã hội liên quan đến Dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia diễn ra chiều 15.11 tại Hà Nội, Ban soạn thảo dự thảo luật cho biết, đa số các ý kiến đều tán thành với các nội dung cơ bản của dự thảo luật và đánh giá sự cần thiết phải ban hành luật này.
Song nhóm ý kiến ủng hộ dự thảo luật cũng yêu cầu phải có những quy định mang tính chất chặt chẽ hơn, mang tính quy phạm hơn và mạnh hơn. Ví dụ, như quy định giờ bán, địa điểm bán và nghiêm khắc hơn với các điều kiện quảng cáo.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế cho biết, để đảm bảo luật được thực thi và có hiệu quả, những ý kiến ủng hộ yêu cầu phải có quy định về tỷ lệ % cụ thể về khoản thuế tiêu thụ đặc biệt để chi cho công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia.
“Vấn nạn sử dụng rượu bia ở Việt Nam hiện nay đang ở mức báo động. Nếu như luật có những nội dung, đáp ứng được các quy định và khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thì việc chúng ta làm là giảm đi ảnh hưởng từ tác hại của rượu, bia tới sức khỏe, tới kinh tế-xã hội, kể cả với truyền thống văn hóa. Nếu như luật “yếu”, thì chắc chắn sức khỏe của người dân trong ngắn hạn và trong dài hạn sẽ bị ảnh hưởng. Theo đó, tác hại từ rượu, bia với kinh tế xã hội vẫn còn nguyên. Với quy định hiện hành, chúng ta không có đủ nguồn lực để tổ chức thực thi Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia như Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá”, ông Nguyễn Huy Quang nhấn mạnh.
Có những ý kiến coi bia, rượu là nét đẹp văn hóa, phản bác việc ra đời luật này… Tuy nhiên, phe phản bác không nêu cụ thể văn hóa ở khía cạnh tiếp cận nào, không nói đến vấn nạn uống rượu, bia dẫn đến đánh nhau ngay trên bàn nhậu hay gây tai nạn khi tham gia giao thông.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế Nguyễn Huy Quang cũng nhắc tới tranh cãi về tên gọi của luật này. Trong đó, có ý kiến đề xuất đặt tên là Luật phòng chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn…
Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế Nguyễn Huy Quang, Dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia là sự đan xen về các lợi ích, đặc biệt là lợi ích về sức khỏe và lợi ích về kinh tế. Đây cũng là vấn đề gây tranh cãi nóng nhất.
“Cũng có ý kiến, nếu chúng ta ban hành luật này nó sẽ ảnh hưởng tới các hiệp định kinh tế song phương mà Việt Nam đã và đang tham gia ký kết như các Hiệp định tự do thương mại (FTA) hay Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)…, gây ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế”, ông Nguyễn Huy Quang nói.
Tại Hội thảo, Vụ Pháp chế Bộ Y tế đã nhắc lại con số tổn thất kinh tế do rượu, bia tại Việt Nam ước tính là 65.000 tỷ đồng, tương đương 1,3% GDP. Chi phí của người dân cho tiêu thụ chỉ riêng đối với bia của Việt Nam năm 2017 là gần 4 tỷ USD.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế Nguyễn Huy Quang.
Ước tính chưa đầy đủ cho thấy, tổng gánh nặng trực tiếp của 6 bệnh ung thư mà rượu, bia là một trong những nguyên nhân cấu thành chính là 25.789 tỷ đồng chiếm 0,25% tổng GDP năm 2017. Chi phí giải quyết hậu quả của tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia chiếm tới 1% GDP (khoảng 50.000 tỷ đồng, theo GDP năm 2017)…
Bên cạnh đó, năng suất lao động xã hội bị ảnh hưởng gây thiệt hại ước tính hơn 75,4 tỷ đồng. Chưa kể các nhân lực y tế, giao thông, an ninh trật tự để giải quyết các hậu quả của rượu, bia và những chi phí gián tiếp khác.
Nêu khuyến nghị kiểm soát rượu bia hiệu quả tại Việt Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Văn Tiên cho rằng, cần xây dựng và thực thi đồng bộ chính sách. Trong đó, kiểm soát sự sẵn có của rượu bia như: giờ bán, điểm bán, kiểm soát chặt cấp phép bán lẻ. Tăng thuế, tăng giá rượu bia. Kiểm soát toàn diện quảng cáo, khuyến mại và tài trợ. Ban hành, thực thi nghiêm khắc chính sách kiểm soát lái xe uống rượu bia.
Ông Tiên khẳng định, các quy định về kiểm soát rượu, bia này hoàn toàn phù hợp với CPTPP và các qui định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)./.
Theo Hoàng Lê (VOV.VN)