Đà Nẵng lần đầu tổ chức hội nghị quốc tế du lịch tàu biển
Lần đầu tiên, Đà Nẵng tổ chức hội nghị quốc tế về phát triển du lịch tàu biển nhằm quảng bá điểm đến và thế mạnh du lịch biển, nghỉ dưỡng biển, du lịch công vụ tới các hãng tàu biển quốc tế, đại lý hàng hải, lữ hành.
Toàn cảnh Hội nghị - Ảnh:VGP/Lưu Hương
Chiều 15.11, TP. Đà Nẵng tổ chức Hội nghị quốc tế về phát triển du lịch tàu biển Đà Nẵng 2018 (DICTC 2018).
Hội nghị thu hút gần 100 đại biểu trong và ngoài nước, gồm đại diện các hãng tàu, công ty du lịch chuyên khai thác tàu biển như Saigontourist, Destination Asia Vietnam, Evergreen; đại diện các hãng tàu nước ngoài Genting Dream Hong Kong, Henna, Costa Classia, Super Star Aquarius…
Tại Hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi về xu hướng phát triển cảng biển hiện tại; các bài học kinh nghiệm từ các điểm đến nổi tiếng về du lịch tàu biển; thị hiếu khách du lịch tàu biển, phát triển một cảng biển phù hợp các tàu du lịch lớn…
Ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng khẳng định: “Với lợi thế về cảng biển và sân bay quốc tế, cửa ngõ đi, đến các di sản thế giới ở miền Trung cùng với nguồn tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng, các bãi tắm đẹp, hệ thống cơ sở hạ tầng, môi trường du lịch được bảo đảm, có cơ chế chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, Đà Nẵng đã và đang trở thành điểm đến an toàn và thân thiện của du khách”.
Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết: Năm 2012, Đà Nẵng đón 57 chuyến tàu với 52.570 lượt khách thì đến năm 2017 đón 87.798 lượt khách (74 chuyến tàu). Nếu như giai đoạn 2008-2011, thị trường khách chủ yếu của loại hình du lịch tàu biển là Anh, Australia, Hoa Kỳ, Đức thì từ năm 2012 đến nay, thị trường khách Trung Quốc luôn chiếm trên 80%.
Trong 9 tháng năm 2018, Đà Nẵng đón 75 chuyến tàu cập cảng Tiên Sa, đưa gần 94.000 lượt khách đến tham quan Đà Nẵng, Quảng Nam (tăng 25 chuyến tàu và 62% lượng khách so với cùng kỳ 2017), trong đó khách Trung Quốc đạt khoảng 81.000 lượt, chiếm 75% cơ cấu khách tàu biển.
Tính đến nay, nhiều hãng tàu nổi tiếng trên thế giới đã cập cảng Đà Nẵng như Star Cruises, Costa Cruises, Dream Cruises, Holland America Cruises, Silversea…
Du khách quốc tế đến Đà Nẵng bằng tàu biển - Ảnh: VGP/Lưu Hương
Hạn chế lớn nhất là Đà Nẵng hiện vẫn chưa có cảng biển chuyên dụng để phục vụ đón khách du lịch tàu biển. Hiện nay, các tàu du lịch phải cập và neo đậu chung với cảng hàng hoá. Ngoài ra, chưa có nhà ga chuyên biệt để khách làm thủ tục nhập cảnh, mua sắm, tìm hiểu thông tin về điểm đến trước khi lên bờ tham quan du lịch thành phố.
Mặc dù đã có sự đầu tư bổ sung nhiều loại hình sản phẩm khác nhau để phục vụ khách du lịch tàu biển, nhưng Đà Nẵng vẫn còn thiếu những cụm mua sắm-ẩm thực-vui chơi giải trí quy mô lớn với tiêu chuẩn quốc tế, trung tâm siêu thị miễn thuế, sản phẩm lưu niệm đặc thù.
Thời gian lưu lại của tàu biển chưa dài, bình quân chỉ khoảng 1-2 ngày/lần cập cảng, thậm chí có những tàu chỉ dừng lại vài giờ. Tuy thời gian cập cảng phụ thuộc vào lịch trình của tàu, nhưng điều này đã cho thấy sản phẩm du lịch của Thành phố chưa thực sự thu hút và hấp dẫn du khách.
“TP. Đà Nẵng sẽ đầu tư phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng Đà Nẵng trở thành điểm đến an toàn, thân thiện và mến khách, trong đó tập trung đầu tư phát triển du lịch tàu biển. Dự kiến, đến năm 2020 sẽ đón hơn 9 triệu khách, trong đó có hơn 3 triệu khách quốc tế (185.000 lượt khách tàu biển). Vì vậy, Thành phố đang tích cực tìm ra những giải pháp cụ thể để phát triển du lịch tàu biển trong thời gian tới”. Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết.
Theo Lưu Hương (Chinhphu.vn)