"Một mình ông Chu Hảo không thể đại diện cho cả tầng lớp trí thức"
Tại Kỳ họp 31, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Chu Hảo, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Tri thức, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, nguyên thành viên Hội đồng Trung ương Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, do có những vi phạm nghiêm trọng diễn ra trong thời gian dài, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng, tác động xấu tới tư tưởng xã hội.
Dư luận cán bộ, đảng viên đồng tình với Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cho rằng sai phạm của ông Chu Hảo đã rõ ràng, việc xử lý kỷ luật thể hiện đúng phương châm “công minh, chính xác, kịp thời,” không có “vùng cấm,” không có ngoại lệ, bất cứ người vi phạm là ai, kể cả đương chức hay đã nghỉ hưu.
Phóng viên TTXVN đã ghi nhận ý kiến cán bộ, đảng viên trên các địa bàn.
Ông Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì kỳ họp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Vi phạm liên tục, có hệ thống
Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương Cao Văn Thống cho biết sự suy thoái, "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" của ông Chu Hảo bắt đầu từ khi là Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Tri thức thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Tôn chỉ, mục đích của Nhà xuất bản Tri thức đã quy định rất rõ, được xuất bản, phát hành những loại sách nào, phục vụ cho mục tiêu, yêu cầu gì. Luật Xuất bản cũng quy định về trách nhiệm, thẩm quyền của Nhà xuất bản cũng như Tổng Giám đốc, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản.
Tuy nhiên, với trách nhiệm là Giám đốc, Tổng Biên tập, ông Chu Hảo đã cho biên tập, xuất bản một số cuốn sách, trong đó có nội dung trái với đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Các cơ quan chức năng đã nhắc nhở, cảnh báo, nhưng sau đó trong quá trình chỉ đạo biên tập, xuất bản một số cuốn sách, ông Chu Hảo lại tiếp tục có những sai phạm mới. Các cơ quan chức năng đã xem xét, kết luận về những sai phạm đó và xử lý theo quy định của pháp luật, như đã nêu rõ tại kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Sự suy thoái, "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" của ông Chu Hảo còn thể hiện ở việc tham gia vào các thư kiến nghị, thư góp ý, thư ngỏ; có những bài viết, bài nói thể hiện các quan điểm chống lại các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng trong Hiến pháp, phủ nhận chủ nghĩa Marx-Lenin, đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, phi chính trị hóa lực lượng vũ trang và xóa bỏ sở hữu toàn dân về tư liệu sản xuất.
Tham gia các thư ngỏ hoặc có các bài viết, bài nói, ông Chu Hảo còn có nhiều hành vi và việc làm khác nhau để phát tán các tài liệu lên mạng hoặc đăng báo vào các thời điểm nhạy cảm, tác động xấu tới dư luận, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự xã hội. Đặc biệt là việc tham gia vào bản kiến nghị về sửa đổi Luật An ninh mạng, rồi để lộ lọt để một số báo và mạng xã hội đăng, ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới an ninh chính trị, trật tự xã hội vào thời điểm đó.
Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương Cao Văn Thống đánh giá sự suy thoái, "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" của ông Chu Hảo đã thể hiện tính liên tục, có hệ thống. Mặc dù đã được các tổ chức đảng, các cấp có thẩm quyền gặp, phân tích, trao đổi, làm rõ các khuyết điểm sai phạm đó và yêu cầu phải sửa chữa, khắc phục, nhưng sau khi cam kết sửa chữa, khắc phục, ông Chu Hảo lại tiếp tục có những sai phạm mới.
Đặc biệt, ông Chu Hảo đã sử dụng nhiều hình thức khác nhau, kể cả tranh thủ người có uy tín để tạo hiệu ứng, gây áp lực đối với các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Là một đảng viên, một nhà trí thức, ông Chu Hảo phải xác định được mình với vai trò đảng viên phải chấp hành đúng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Thế nhưng, những hành vi, việc làm, các hoạt động của ông Chu Hảo đã vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Khi vi phạm đã được các cơ quan, tổ chức góp ý nhưng không sửa chữa, khắc phục. Qua kiểm tra thấy rằng những sai phạm đó là rất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín tổ chức Đảng, ảnh hưởng xấu tới xã hội.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, kết luận một cách khách quan, công tâm và thấy rằng những khuyết điểm, vi phạm đó phải được xử lý bằng những hình thức kỷ luật nghiêm minh, theo đúng các quy định của Đảng. Bất cứ một đảng viên nào, nếu có khuyết điểm sai phạm phải được kiểm tra làm rõ nội dung, tính chất, mức độ, tác hại, nguyên nhân, các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ, trên cơ sở đó xem xét một cách tổng thể kể cả thành tích đã có, kể cả quá trình cống hiến, công tâm khách quan, chính xác nhất và theo đúng quy trình, quy định của Đảng.
Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm: Những vi phạm của ông Chu Hảo đã ảnh hưởng lớn đến uy tín của Đảng
Dẫn chứng câu tục ngữ “Ăn cây nào, rào cây ấy,” Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ mọi tổ chức, chế độ đều có những quy định, pháp luật cụ thể. Vì vậy, ai vi phạm, làm ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ, phải chịu kỷ luật, xử lý theo quy định.
Theo Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, Đảng và Nhà nước ta luôn tôn trọng quyền tự do ngôn luận, tự do dân chủ, nhưng tất cả phải tuân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Cán bộ, đảng viên càng phải gương mẫu, chấp hành nghiêm Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước. Về việc xử lý các vi phạm của ông Chu Hảo, Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm cho rằng cần phải xử lý nghiêm minh, công tâm. Có công thì ghi nhận, có tội phải xử lý nghiêm.
Đồng tình cao với kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đối với ông Chu Hảo “đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến,” ‘tự chuyển hóa,” bà Nguyễn Thị Thoa, cán bộ hưu trí ở Phường 5, Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng những vi phạm của ông Chu Hảo đã ảnh hưởng lớn đến uy tín của Đảng, những trí thức chân chính đang không ngừng cống hiến cho sự phát triển của đất nước. Đảng và Nhà nước ta luôn ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp của đội ngũ trí thức đối với công cuộc xây dựng đất nước. Tuy nhiên, không thể nói có công lao đóng góp rồi sau đó muốn làm gì thì làm, nói gì thì nói, nhất là những việc làm, phát ngôn đó đi ngược lại với Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, cũng như lợi ích của đất nước, nhân dân.
Theo bà Nguyễn Thị Thoa, những vi phạm của ông Chu Hảo đã có một quá trình kéo dài nhiều năm, nhưng không được xử lý dứt điểm sớm. Những việc làm của ông Chu Hảo đã vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, do đó cần phải xử lý nghiêm minh, góp phần làm trong sạch đội ngũ của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên, nhân dân đối với tổ chức Đảng.
Với một đảng viên, nhất là đảng viên từng giữ nhiều vị trí quan trọng trong bộ máy Nhà nước, khi phát ngôn, làm việc phải luôn chuẩn mực, đảm bảo đúng chủ trương, đường lối của Đảng. Thế nhưng, ông Chu Hảo lại thường xuyên có những việc làm vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật như cho xuất bản những cuốn sách có nội dung trái quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng.
Chưa hết, ông Chu Hảo còn tổ chức, tham gia các hội trái quy định của pháp luật. Đây là điều khó chấp nhận được, nhất là đối với một đảng viên, một tri thức từng giữ chức vụ cao trong bộ máy Nhà nước.
Tiến sỹ Trần Bách Hiếu: Một mình ông Chu Hảo không thể đại diện cho cả tầng lớp trí thức
Tiến sỹ Trần Bách Hiếu (Khoa Khoa học chính trị, trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng ông Chu Hảo vừa vi phạm những điều đảng viên không được làm, không đúng tư cách của người đảng viên, đồng thời lại vừa vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam.
Không chỉ ông Chu Hảo mà bất kỳ ai, ở giới nào, giai cấp nào, nếu là đảng viên mà vi phạm Điều lệ của Đảng và vi phạm pháp luật Việt Nam đều phải bị kỷ luật, xử lý. Ở đây không thể chỉ đứng ở góc độ ông Chu Hảo là một người đến từ giới trí thức, để đánh đồng việc xử lý kỷ luật Đảng đối với một người mắc các sai lầm, khuyết điểm với việc xử lý, kỳ thị cả đội ngũ trí thức. Như vậy gọi là “vơ đũa cả nắm." Đây là những luận điệu, quan điểm sai lệch có thể tiêm nhiễm, làm mất niềm tin trong thời điểm xây dựng đất nước hiện nay.
Một mình ông Chu Hảo không thể đại diện cho tất cả tầng lớp trí thức. Vấn đề ở đây là một trí thức, một công nhân, một nông dân hay một người làm nghề nghiệp nào đó mà vi phạm thì đều phải xử lý. Không thể một người thuộc giới trí thức, có nhiều đóng góp cho các hoạt động khoa học trước đó, thì không bị xử lý khi có vi phạm, hoặc khi xử lý lại đánh đồng với những người cùng giới, cùng hoạt động nghề nghiệp.
Tiến sỹ Trần Bách Hiếu khẳng định: "Cá nhân tôi hoàn toàn đồng tình với hình thức xử lý kỷ luật của Đảng đối với những vi phạm mà ông Chu Hảo đã mắc phải."
Nói về sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước dành cho giới trí thức, tiến sỹ Trần Bách Hiếu nhận xét Đảng và Nhà nước trong những năm qua có rất nhiều chủ trương, chính sách quan tâm đến giới trí thức nói chung và trí thức trẻ nói riêng; năm nào cũng có nhiều hoạt động khuyến khích khoa học công nghệ trong giới trẻ, hoạt động giáo dục lý tưởng, sáng tạo, tự do học thuật trong không gian của người trẻ, đặc biệt là trí thức trẻ. Có thể nói, chưa thấy một thời điểm nào mà có nhiều chủ trương, kế hoạch, chính sách cụ thể đối với những người trẻ có tư tưởng tốt, mong muốn xây dựng mà được quan tâm như thời điểm này, khi mà Đảng và Nhà nước tạo rất nhiều điều kiện hỗ trợ giới trẻ khởi nghiệp.
Thạc sỹ Hoàng Chí Cương: Tính đấu tranh ở một số cơ sở đảng chưa được phát huy
Với tư cách là một đảng viên, thạc sỹ Hoàng Chí Cương (Phó Trưởng khoa miễn dịch, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương) đánh giá có lẽ những biểu hiện vi phạm của ông Chu Hảo đã xuất hiện từ trước, nhưng ở đây phải nhìn nhận thẳng thắn rằng có những nguyên tắc trong sinh hoạt Đảng chưa thực sự thực hiện một cách hiệu quả nhất, như nguyên tắc tự phê bình và phê bình, tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách… là những nguyên tắc rất cơ bản trong sinh hoạt đảng tại chi bộ. Mỗi năm, khi đánh giá xem xét và xếp loại đảng viên, những sai phạm đó hoàn toàn có thể được đưa ra, xử lý kiên quyết, dứt điểm.
Tuy nhiên, ở đây tính đấu tranh trong sinh hoạt đảng ở một số chi bộ, một số cơ sở đảng chưa được phát huy, hoặc có tư tưởng “dĩ hòa vi quý” dẫn đến những vi phạm của một số đảng viên, mà cụ thể ở đây là ông Chu Hảo. Tư tưởng “dĩ hòa vi quý” và sự thiếu nghiêm minh trong sinh hoạt đảng là lý do khiến cho đảng viên có tư tưởng, suy nghĩ lệch chiều. Do không bị xử lý ngay từ đầu, khiến cho đảng viên bị trượt dài trong sai phạm.
Thạc sỹ Hoàng Chí Cương nhấn mạnh: "Mình sống và làm việc ở đâu, phải thực hiện đúng nguyên tắc và pháp luật của nước đó. Mình là thành viên của tổ chức nào, đặc biệt là tổ chức Đảng, phải thực hiện theo Điều lệ, Cương lĩnh của Đảng; nếu vi phạm sẽ bị xử lý."
Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương Cao Văn Thống đánh giá việc xử lý kỷ luật đối với ông Chu Hảo thể hiện kỷ luật Đảng luôn nghiêm túc và công bằng. Bất cứ đảng viên nào, tuổi đảng nhiều hay ít, đóng góp nhiều hay ít cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, dù giữ cương vị, chức vụ nào, nếu có vi phạm thì vẫn phải xử lý kỷ luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mọi đảng viên, công dân phải hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật.
Qua việc xử lý kỷ luật đối với ông Chu Hảo, những đảng viên khác nếu thấy mình đang có những biểu hiện suy thoái thì cũng tự răn, tự sửa, tự soi lại mình để khắc phục. Các cấp ủy, tổ chức Đảng có trách nhiệm kiểm tra, xem xét kết luận và xử lý nghiêm minh những hành vi, việc làm không đúng quy định của Đảng, để giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật của Đảng, bảo đảm sự trong sạch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước./.
Theo TTXVN/Vietnam+