Nhân Ngày sức khỏe tâm thần thế giới (10.10):
Giúp người già “chống chọi” với bệnh tâm thần
Ngày sức khỏe tâm thần thế giới năm nay có chủ đề “Sức khỏe tâm thần và người già”. Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh Châu Văn Tuấn, bệnh tâm thần ở người già đang là một vấn đề nổi cộm, với mô hình bệnh ngày càng đa dạng.
Mô hình bệnh đa dạng
Ngày 7.10, khoa Điều trị I của Bệnh viện Tâm thần tỉnh tiếp nhận bệnh nhân L.V.L., 65 tuổi, ở Bình Nghi, Tây Sơn. Nhìn bề ngoài, chẳng ai nghĩ người đàn ông khỏe mạnh, rạng rỡ ấy lại mắc bệnh tâm thần. Anh L.K.H. - con trai của ông L.- kể: “Giờ ba tôi hiền vậy đó, chứ ở nhà, lúc nào cũng bảo mình thấy ma, rồi lấy đồ trên bàn thờ xuống đốt hết để đuổi ma đi. Đêm, ông đi khắp nhà, bật điện sáng trưng, xếp chiếu lại vứt hết”. Ông L. mắc chứng hoang tưởng đã hơn 10 năm nay. Được điều trị ổn định, nhận thuốc uống thường xuyên, nhưng gần đây ông bỏ thuốc với lý do “sợ thuốc nóng người”. Thế là bệnh lại nghiêm trọng hơn.
Cũng có “tiền sử” bệnh tâm thần là bà Đ.T.T. (65 tuổi, ở Vĩnh Hiệp, Vĩnh Thạnh), nhập viện điều trị đã hơn 2 tuần nay. Chồng bà T. cho biết, bà phát bệnh từ năm 2000, đến năm 2005 không cần điều trị nội trú, chỉ nhận thuốc uống đều đặn. Vậy nhưng, sau 4 đêm liên tiếp không ngủ được, bệnh của bà trở lại, suốt ngày nói nhảm, lo âu, hay đi lang thang.
Theo bác sĩ Võ Văn Thống, Phó trưởng khoa Điều trị I, cho mình là thần thánh, có ma quỷ nhập vào người là hội chứng hoang tưởng xâm nhập - một biểu hiện của bệnh lý rối loạn tâm thần. Các rối loạn tâm thần ở người cao tuổi rất đa dạng. Nhẹ thì khó chịu, lo lắng, rối loạn giấc ngủ; nặng hơn là suy nhược cơ thể, lo âu, ám ảnh bệnh tật; có người còn xuất hiện trạng thái loạn thần, biểu hiện bằng các hoang tưởng, ảo giác và rối loạn ý thức.
Loạn thần có thể xuất hiện ở tuổi già và trước tuổi già, trong khi những người trên 70 tuổi thường xuất hiện chứng mất trí. Như cụ L.T.N. (72 tuổi, ở Hoài Xuân, Hoài Nhơn) nhập viện ngày 25.9, với chẩn đoán mất trí không biệt định. Bà N. phát bệnh gần 1 năm nay, trí nhớ giảm sút, tính tình thay đổi, hay cáu gắt la mắng con cháu. 1 tháng nay, bà hầu như không ngủ, cứ đi lại lục soát đồ đạc trong nhà, nói vô nghĩa, chửi mắng vô cớ, ăn uống thất thường. Nhập viện sau bà N. một ngày, bà V.T.M. (75 tuổi, ở Hoài Hương, Hoài Nhơn) bị mất trí trong bệnh mạch máu. Mỗi ngày bà bị 1-2 cơn co giật toàn thân, mắt trợn ngược, mỗi cơn co giật kéo dài khoảng 1 phút.
Mỗi ngày, khoa Khám của Bệnh viện Tâm thần tỉnh tiếp nhận 10-20 bệnh nhân trên 60 tuổi, với các triệu chứng trầm cảm, rối loạn lo âu, mất ngủ… Theo bác sĩ Châu Văn Tuấn, trước đây, bệnh nhân đến khám chủ yếu là do mất ngủ, rối loạn hành vi, rối loạn cảm xúc nặng. Gần đây, mô hình bệnh đa dạng hơn, với các chứng buồn lo, suy nhược thần kinh, mất trí… Nhiều bệnh nhân mắc bệnh tâm thần, có bệnh nội khoa được chuyển đến từ các bệnh viện đa khoa. “Số bệnh nhân tâm thần được khám và điều trị tăng nhanh một phần là do nhận thức của người dân về sức khỏe tâm thần đã tiến bộ khá nhiều, hiện tượng “cúng bái” để trị bệnh đã giảm đáng kể”, bác sĩ Tuấn nhìn nhận.
Đừng bỏ qua việc nhỏ
Theo bác sĩ Châu Văn Tuấn, mô hình gia đình “tam- tứ đại đồng đường” rất tốt cho người già. Con cháu gần gũi ông bà, dễ dàng phát hiện các triệu chứng ban đầu của bệnh tâm thần để điều trị sớm. Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại, con cháu ngày càng xa rời ông bà. Thậm chí, nhiều người còn đùn đẩy trách nhiệm chăm sóc cha mẹ, làm người già “tự ái”, thu mình lại, dễ sinh bực tức, rối loạn giấc ngủ. Nhiều cụ nghĩ ra “chiêu” đau ốm “giả” với mong muốn con cháu quan tâm hơn đến mình.
“Người già bị rối loạn tâm thần đòi hỏi phải được điều trị, chăm sóc, quản lý lâu dài, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa thầy thuốc - bệnh nhân - gia đình - cộng đồng. Con cháu phải chú ý diễn biến tâm lý của người già; phát hiện và điều trị sớm các bệnh liên quan, đặc biệt là cao huyết áp và đái tháo đường. Bên cạnh đó, cần khuyến khích, tạo điều kiện để các cụ tham gia sinh hoạt ở câu lạc bộ văn hóa, thể thao của người cao tuổi, giúp duy trì sức khỏe, “vệ sinh” tinh thần, để não không “lịm dần”, “ngủ quên””, bác sĩ Tuấn chia sẻ.
Với người già, ngoài chế độ dinh dưỡng, đảm bảo nơi ngủ nghỉ, việc “nâng đỡ” về tinh thần đặc biệt quan trọng. Những sự quan tâm nhỏ nhặt của con cháu thường mang lại tác dụng lớn trong việc ổn định tâm lý cho người già. “Treo một tập lịch blốc trong phòng, mỗi tuần vài lần con cháu xé lịch, nhắc ông bà nhớ hôm nay có sự kiện gì, như ngày lễ, ngày rằm, hay cúng giỗ trong dòng họ. Việc nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn, giúp bộ não của người già được “kích hoạt” trở lại. Các nhà khoa học nước ngoài từng có ý tưởng cho các cụ già chơi game, như là một hình thức duy trì hoạt động của bộ não”, bác sĩ Nguyễn Lang Tùng, Phó trưởng khoa Điều trị II, Bệnh viện Tâm thần tỉnh, phân tích.
NGUYỄN VĂN TRANG