Công tác phòng chống HIV/AIDS: Không được chủ quan, lơ là
Với sự chung tay của nhiều đơn vị, cá nhân, công tác phòng chống HIV/AIDS đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, để tránh nguy cơ bùng phát, lan rộng và hướng đến mục tiêu kết thúc dịch HIV/AIDS, chúng ta cần thực hiện đồng thời nhiều giải pháp, tránh chủ quan, lơ là.
Tuyên truyền là kênh quan trọng để người dân hiểu và tránh nguy cơ lây truyền HIV/AIDS.
- Trong ảnh: Hội thi Tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS do Tỉnh đoàn phối hợp với Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh tổ chức đem đến nhiều nội dung phong phú.
Theo thống kê của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh, trong 10 tháng đầu năm 2018 tỉnh đã phát hiện 44 trường hợp nhiễm HIV mới (trong đó TP Quy Nhơn có 11 trường hợp, TX An Nhơn 8 người nhiễm mới, riêng Vân Canh và An Lão không phát hiện ca nhiễm HIV mới nào).Tính tích lũy từ trước đến nay, người nhiễm HIV có địa chỉ trong tỉnh là 812 trường hợp, trong đó đã chuyển sang giai đoạn AIDS 669 trường hợp, có 439 người đã chết do AIDS; 11/11 huyện, thị xã, thành phố đã phát hiện người nhiễm HIV, 126/159 xã, phường, thị trấn có người nhiễm HIV; tỉ lệ nam giới chiếm 60%, nữ giới 40%.
Người nhiễm HIV thuộc nhiều nhóm đối tượng khác nhau: ma túy 28%, mại dâm 4%, bệnh nhân lao 8%, bệnh nhân nghi AIDS 28%, đối tượng khác 30%, về độ tuổi - nhóm người từ 21 đến 40 tuổi chiếm tới 75%; về nguy cơ lây nhiễm HIV lây qua đường quan hệ tình dục chiếm 55%, qua đường máu chiếm 39% và đường từ mẹ sang con 3%.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS phân tích: Hiện nay vẫn còn nhiều yếu tố nguy cơ làm gia tăng lây nhiễm HIV/AIDS tại tỉnh đó là tình hình nghiện chích ma túy, mại dâm còn phức tạp; nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới có xu hướng tăng tỉ lệ lây nhiễm HIV trên cả nước; số lượng dân di biến động của tỉnh cao (bao gồm lái xe tải đường dài, dân đi làm ăn xa, ngư dân đánh bắt cá xa bờ, nhóm khách du lịch đến Bình Định…) tiếp tục tăng nhanh. Vì vậy, mặc dù HIV/AIDS đang được khống chế, nhưng nguy cơ bùng phát lây lan HIV rất nhiều khả năng xảy ra nếu không có các biện pháp phòng, chống tích cực.
Công tác phòng, chống HIV/AIDS cần tập trung vào các nhóm giải pháp cụ thể như: tăng cường các hoạt động dự phòng và can thiệp giảm tác hại phòng lây nhiễm HIV, truyền thông, giáo dục thay đổi hành vi phòng lây nhiễm HIV - nhất là các đối tượng có nguy cơ cao; duy trì mạng lưới nhân viên tiếp cận cộng đồng; tiếp tục hoạt động điều trị bệnh nhân nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế để phòng lây nhiễm HIV do tiêm chích ma túy... Cùng với đó, tăng cường hoạt động giám sát và phát hiện HIV cho nhiều đối tượng nhằm phát hiện sớm, kịp thời người nhiễm để tư vấn, điều trị phòng lây nhiễm cho gia đình và cộng đồng; cung cấp thẻ BHYT và hỗ trợ kinh phí điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS, điều trị HIV bằng thuốc ARV. Điều này không những duy trì sức khỏe cho người bệnh mà còn ngăn chặn lây nhiễm HIV qua đường tình dục.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Truyền cho biết: Công tác phòng chống HIV/AIDS hiện nay hướng đến các mục tiêu 90-90-90 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi-rút và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng vi rút, kiểm soát được số lượng vi rút ở mức thấp), kết thúc dịch HIV/AIDS ở Việt Nam vào năm 2030. Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2018 tập trung vào chủ đề “Hãy hành động để hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020”. Chính vì vậy, cần có sự nỗ lực đầu tư và chỉ đạo sâu sát của các cấp lãnh đạo từ tỉnh đến cơ sở cũng như sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể để thực hiện hiệu quả các mục tiêu đã đặt ra.
LÊ CƯỜNG