TRÊN DIỄN ĐÀN QUỐC HỘI
Ðề nghị bố trí vốn cho dự án nâng cấp, mở rộng QL19
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, ngày 16.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ðầu tư công. Các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến để các nội dung dự án luật sát hơn với thực tiễn.
Đại biểu Nguyễn Hữu Đức góp ý về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công.
Tránh sơ hở, lợi dụng
Về các hành vi bị cấm trong đầu tư công, khoản 2 điều 16 của dự thảo luật quy định cấm “Quyết định đầu tư chương trình, dự án khi chưa được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư hoặc không đúng với các nội dung về mục tiêu, phạm vi, quy mô, tổng vốn đầu tư của chủ trương đầu tư đã được cấp có thẩm quyền quyết định...”.
Vẫn còn câu chuyện “con gà và quả trứng”
“Về mối quan hệ giữa việc quyết định chủ trương đầu tư với cân đối nguồn vốn cho dự án đầu tư vẫn còn như câu chuyện “con gà và quả trứng”; bởi muốn quyết định chủ trương đầu tư thì phải cân đối được nguồn vốn, mà phải có nguồn vốn mới quyết định chủ trương đầu tư. Do đó, trong lần sửa đổi này, cần có quy định rõ hơn để khắc phục tình trạng đó”.
Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh LÝ TIẾT HẠNH
Theo đại biểu (ĐB) Nguyễn Hữu Đức (Đoàn Bình Định), quy định như vậy sẽ cứng nhắc và khó triển khai trên thực tế. Bởi, khi lập chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi chỉ nghiên cứu sơ bộ về sự cần thiết, tính khả thi, tính hiệu quả và dự kiến nguồn lực; khi ở giai đoạn lập dự án đầu tư thì các yêu cầu cũng như số liệu mới bảo đảm độ chính xác qua khảo sát, thiết kế, đánh giá tác động... Ngoài ra cũng không ít trường hợp dự án bảo đảm đáp ứng yêu cầu về mục tiêu, phạm vi, quy mô song tổng vốn đầu tư lại thấp hơn với mức được phê duyệt chủ trương đầu tư thì lại bị cấm là không hợp lý. Do đó, đề nghị bổ sung hành vi bị cấm theo hướng chỉ khi vượt quá các điều kiện cụ thể của dự án như quy mô, tổng mức đầu tư…
Về nguyên tắc sử dụng vốn dự phòng đầu tư công, điều 54 Luật Đầu tư công hiện hành nêu “Chính phủ quy định mức vốn dự phòng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn để xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn”. Tuy nhiên, Luật hiện hành không quy định cụ thể về nguyên tắc, tiêu chí dự án được sử dụng nguồn dự phòng, thẩm quyền các cấp trong quyết định sử dụng nguồn này và trình tự, thủ tục phân bổ.
Tại khoản 6 điều 52 dự thảo Luật mới bổ sung nội dung Chính phủ quy định về thời điểm sử dụng và mức vốn dự phòng được sử dụng là chưa cụ thể. “Vừa qua Quốc hội đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, trong đó có các nguyên tắc, tiêu chí, thời điểm rất cụ thể; đề nghị rà soát để luật hóa các nội dung này, quy định ngay trong Luật sửa đổi lần này để bảo đảm tính cụ thể, tránh sơ hở, lợi dụng”, ông Đức nói.
Cần điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án
Trong khi đó, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh quan tâm đến tiêu chí phân loại dự án. Theo điều 8 của dự thảo luật, tiêu chí phân loại dự án nhóm A đối với dự án hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế không phân biệt tổng mức đầu tư, nên nếu dự án này sử dụng ngân sách Trung ương thì sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư.
Bà Hạnh đề nghị phân loại dự án này theo tổng mức đầu tư, vì có dự án quy mô nhỏ (từ vài chục đến vài trăm tỉ đồng) mà phải trình Thủ tướng Chính phủ thì mất nhiều thời gian và cơ hội cho các địa phương; nên quy định dự án thuộc nhóm A khi có tổng mức đầu tư từ 1.000 - 1.500 tỉ đồng trở lên. Khi đó, dự án có quy mô nhỏ hơn (nhóm B, C) sẽ do cấp tỉnh quyết định, phù hợp với điều kiện thực tế, rút ngắn thời gian xem xét, đáp ứng mong đợi của nhà đầu tư và yêu cầu phát triển KT-XH của địa phương.
Đặc biệt, từ ý kiến, kiến nghị cử tri tại địa phương, ĐB Lý Tiết Hạnh đề cập đến một số bất cập trong quá trình thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020, trong đó Chính phủ ưu tiên các dự án, công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, nhất là giao thông, thủy lợi, năng lượng, y tế. Tại Bình Định có dự án quan trọng là nâng cấp, mở rộng QL 19 đoạn từ Cảng Quy Nhơn đến QL 1A, với tổng vốn đầu tư 5.280 tỉ đồng. Theo cơ chế bố trí vốn được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận thì vốn ngân sách Trung ương đầu tư cho dự án này là 3.696 tỉ đồng (chiếm 70%), vốn ngân sách tỉnh 1.584 tỉ đồng (30%).
Thời gian qua, mặc dù địa phương và các đơn vị thi công đã nỗ lực thực hiện, nhưng chưa thể hoàn thành công việc theo hợp đồng đã ký kết, trong đó có nguyên nhân từ đầu năm 2016 đến nay, Trung ương không bố trí vốn cho dự án. Đến nay, Trung ương chỉ mới bố trí được 1.373 tỉ đồng của giai đoạn 1. “Đề nghị Chính phủ cần quan tâm, bố trí vốn để đẩy nhanh tiến độ thi công, phục vụ nhu cầu phát triển KT-XH của địa phương”, bà Hạnh nói.
NGUYỄN VĂN TRANG