Nên quy định các nhóm rượu, bia với độ cồn khác nhau để có chính sách quản lý phù hợp
Đó là ý kiến của ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn Bình Định) khi góp ý ở hội trường Quốc hội ngày 16.11 về Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Theo Tờ trình của Chính phủ, việc sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đang ở mức cao và có xu hướng gia tăng nhanh nên cần được kiểm soát để giảm mức tiêu thụ. Việt Nam là nước tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á và thứ 3 Châu Á (sau Nhật Bản, Trung Quốc).
Những ảnh hưởng bất lợi của sử dụng rượu, bia đối với sức khỏe, KT-XH ngày càng gia tăng và là thách thức trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) mà Việt Nam đã cam kết. Do đó, việc ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia là yêu cầu cần thiết.
ĐB Nguyễn Văn Cảnh góp ý tại hội trường ngày 16.11.
Góp ý về dự án luật này, ĐB Nguyễn Văn Cảnh cho rằng tác hại của việc lạm dụng rượu, bia thể hiện qua các vụ tai nạn giao thông, các bệnh tật hay các hành vi cư xử thiếu kiểm soát do bia rượu gây ra, ảnh hưởng đến các mối quan hệ gia đình, bạn bè và xã hội.
Song, ngoài mặt tiêu cực, rượu, bia còn có một số mặt tích cực, đó là tạo không khí vui vẻ trong giao tiếp công việc, giao lưu bạn bè, hòa đồng với tập thể và là một phần trong các lễ nghi văn hóa.
Do đó, ông đề nghị để giảm thiểu được các tác hại của việc lạm dụng rượu, bia, đồng thời phát huy các mặt tích cực, dự thảo luật cần quy định các nhóm rượu, bia với độ cồn khác nhau để mỗi người chọn cho mình một loại bia rượu phù hợp.
Theo ĐB Cảnh, hiện nay rượu phổ biến là 39 độ và bia từ 4,5 độ - 5,5 độ. Ở nhiều nước, phổ biến các loại bia có nồng độ cồn khác nhau. Nếu Việt Nam cũng phổ biến nhiều loại rượu, bia ít cồn và không cồn thì những tác hại do lạm dụng rượu bia sẽ giảm đi rất nhiều và các lợi ích từ việc sử dụng rượu bia ở mức hợp lý cũng vẫn đảm bảo được về mặt kinh tế, sức khỏe và thói quen giao tiếp.
Ông đề xuất luật cần quy định phân biệt các loại rượu bia, cụ thể như rượu dưới 15 độ, từ 15 - 29,5 độ và trên 29,5 độ. Bia có trên 4 độ, bia ít cồn từ 1 - 4 độ, không có cồn (dưới 1 độ).
“Từ sự phân biệt này, chúng ta mới có được chính sách khuyến khích người tiêu dùng nên sử dụng loại bia, rượu có độ cồn phù hợp với thể trạng, điều kiện của mình, định hướng để nhà sản xuất kinh doanh, cho ra thị trường nhiều loại bia, rượu có nhiều loại nồng độ cồn khác nhau, từ đó có chính sách khuyến khích hoặc hạn chế theo từng nhóm rượu, bia”, ông nói.
Ngoài ra, ông Cảnh đề nghị bổ sung một khoản vào Điều 3 của dự thảo luật quy định khuyến khích sản xuất, kinh doanh rượu ít cồn, bia ít cồn và không cồn. Từ quy định này, nhà nước có chính sách thuế phù hợp theo các loại rượu, bia có nồng độ cồn giảm dần để khuyến khích các nhà sản xuất, kinh doanh.
Điều này cũng giúp cho người tiêu dùng có điều kiện sử dụng để thay thế các loại bia rượu có nồng độ cồn cao. Trên cơ sở đó, ông kiến nghị Ban soạn thảo rà soát, điều chỉnh lại các Điều 9, Điều 12, Điều 13, Điều 14, Điều 20 theo hướng không cấm đối với các loại bia không cồn.
Để thuận tiện trong việc thi hành luật trong thực tế, theo ông cần bổ sung quy định “Không được bán rượu, bia tại cơ sở vui chơi, giải trí hoặc khu vực vui chơi, giải trí chỉ dành riêng cho người dưới 18 tuổi”.
ĐB Cảnh cho rằng dự thảo luật quy định: “Cơ sở bán rượu, bia phải có biện pháp kiểm soát độ tuổi của người mua rượu, bia để phòng ngừa việc bán rượu, bia cho người dưới 18 tuổi” là không phù hợp, nên giao Chính phủ quy định các biện pháp kiểm soát độ tuổi của người mua rượu, bia để thống nhất trên toàn quốc.
SỸ NGUYÊN