Tài dùng binh của Hoàng đế Quang Trung
Có rất nhiều tài liệu các nhà truyền giáo viết về Nhà Tây Sơn cũng như về Việt Nam lưu trữ ở Văn khố của Hội Truyền giáo Paris chưa được khai thác hết. Những tư liệu liên quan đến Triều đại Tây Sơn từ năm 1787 - 1792 ở trong các tập Tonkin 692 - 700 và Cochinchine 700 trở đi. Trong bài viết này, xin giới thiệu tài dùng binh của Quang Trung - Nguyễn Huệ qua tư liệu của các nhà truyền giáo phương Tây.
Đánh nhanh đánh mạnh, đó là điểm đặc biệt về phép dụng binh của Quang Trung - Nguyễn Huệ. Ngài luôn tỏ ra ở thế mạnh là nhờ ở quân số, hỏa lực, phương tiện và mưu kế.
Tượng đài Hoàng đế Quang Trung tại Bảo tàng Quang Trung (Tây Sơn).
Nguyễn Huệ có tài huấn luyện rất mau chóng các tân binh thành chiến binh. Khi ra Bắc đại phá quân Thanh, Nguyễn Huệ qua Nghệ An và Thanh Hóa lấy thêm đến 8 vạn quân. Với hơn 10 ngày tuyển quân và chỉ trong khoảng một tháng vừa tuyển quân vừa chuyển quân trên quãng đường mấy trăm cây số mà quân ấy đã đánh giặc giỏi. Giáo sĩ Le Roy đã tả: Đạo quân Quang Trung thì gồm cả người già lão, trẻ con trông giống một toán bệnh nhân ốm yếu hơn là một đoàn chiến binh. Ấy thế mà đạo quân khốn khổ ấy lại tàn sát được đạo quân Trung Hoa [Thư Roy viết trong Blandin tháng 6.1789. [Ar – M.E. Tonkin vol. 692, p. 112]. Cùng có nhận định tương tự, giáo sĩ Labartette có kể Nguyễn Huệ chuyển quân từ xứ Nam về Phú Xuân chỉ mất 10 ngày trong khi bình thường phải mất 20 ngày.
Trong cuộc tiến quân ra Bắc, Nguyễn Huệ đã áp dụng chiến thuật bôn tập. Xuất phát từ nơi cách xa mục tiêu khoảng 200 cây số, Nguyễn Huệ đã cho tiến quân rất nhanh. Trong Nhật ký Giáo hội Truyền giáo Bắc Hà thuật rõ: Quân Tây Sơn tới xứ Nam vào ngày 24.1 tức ngày 29 Tết. Tới ngày 28.1.1789 tức ngày mùng 3 Tết, quân Nguyễn Huệ đã tới Hà Hồi, chỉ cách Thăng Long một ngày rưỡi đường. Ngay sau đó quân Nguyễn Huệ tấn công liền mấy tiền đồn của Trung Hoa. Quân Trung Hoa bị đánh bất ngờ và không kịp điều động binh lính đi cứu viện vì họ không đề phòng trước.
Biết tài dùng binh của Nguyễn Huệ cũng như sức mạnh của Tây Sơn, khi Nguyễn Ánh nhờ Đức giám mục Bá Đa Lộc cầu viện quân Pháp, các giáo sĩ đã e ngại quân Pháp sẽ thất bại trước quân Tây Sơn. Trong bức thư đề ngày 11.6.1788, giáo sĩ Labartette gửi cho giáo sĩ Letondal đã viết: “Tôi không rõ cuộc viễn chinh của người Pháp khi nào sẽ xảy ra. Nhưng tôi sợ rằng quân Pháp của chúng ta vì khinh thường bọn người này [Tây Sơn] và không am hiểu tường tận cách hành binh của họ và không đủ sẵn sức mạnh và có thể trở thành nạn nhân”...
Trong một bản nhật ký của Hội Truyền giáo Bắc Hà gửi về Hội Truyền giáo Paris có chép: “Ngày 30.1 [1789] Quang Trung rời Kẻ Vôi [Hà Hồi] trên lưng voi và đến chung sức, khuyến khích đội ngũ ông, nhưng khi thấy họ chiến đấu không được hăng hái lắm, ông liền bỏ voi và dùng ngựa. Theo lời đồn, ông đeo hai cái đoản đao (gươm) và chạy ngang dọc chém rơi đầu nhiều võ quan và binh lính Trung Hoa, làm rất nhiều người chết về tay ông, ông luôn mồm hô xung phong và lúc nào cũng ở trận tuyến đầu”.
Tái hiện lễ đăng quang Hoàng đế Quang Trung ở Núi Bân (Huế).
Nguyễn Huệ đã chứng tỏ là một vị tướng tài ba vẹn toàn. Cuộc chiến Trịnh - Nguyễn kéo dài 45 năm (1627 - 1672) với 7 lần đánh nhau bất phân thắng bại, hai miền phân chia gần hai thế kỷ, một trong những lý do rất quan trọng vì cả hai bên đều áp dụng chiến thuật, chiến lược cổ điển. Với tài năng của Nguyễn Huệ, quân Tây Sơn đã triển khai cuộc cách mạng chiến thuật, chiến lược đặc biệt là sử dụng “thủy quân chiến lược”, phá vỡ cục diện này. Trong các cuộc đánh chiếm Gia Định, Phú Xuân cũng như ra Bắc Hà, Nguyễn Huệ luôn tiến đại quân bằng đường thủy và mở “chiến dịch gió mùa”, chỉ riêng chiến dịch đánh quân Thanh, đại quân Nguyễn Huệ tiến bằng đường bộ, vì lực lượng khá đông không thể di chuyển bằng đường thủy, và vì mùa đông ngược gió đông bắc.
Dưới thời Quang Trung, lực lượng thủy quân Tây Sơn rất hùng mạnh. Gần 10 năm, sau khi Nguyễn Huệ mất, và dù thủy quân bị tiêu hao nhiều, nhưng Chaigneau - người tham dự trận đại thắng, tiêu diệt hoàn toàn thủy quân Tây Sơn nhận định: “Trước khi thấy được thủy quân địch, tôi đã coi thường lực lượng này nhưng nay tôi đoán chắc với ông rằng đó là lầm lạc, quân Tây Sơn đã có những chiến hạm trang bị 50 và 60 đại bác” [Arch. M.E. v. 801. Thư của J.B. Chaigneau gửi cho Barizy ngày 2.3.1801, p. 857].
Những chiến tích vẻ vang cũng như tài tổ chức quân sự, lối hành binh độc đáo và sự cách mạng về chiến thuật, chiến lược đã chứng tỏ thiên tài quân sự hay tài dùng binh của Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ. Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa năm Kỷ Dậu (1789) đã bộc lộ trọn vẹn thiên tài quân sự của người anh hùng áo vải Tây Sơn. Các nhà truyền giáo phương Tây là những người có nhiều thành kiến và không mấy thiện cảm với quân Tây Sơn, nhưng khi nhận định về tài thao lược của Hoàng đế Quang Trung họ thường ví Ngài với Đại đế Hy Lạp Alexandre Le Grand hay vua Hung nô Attila - những nhà quân sự kiệt xuất, nổi danh “bách chiến bách thắng” ở châu Âu.
NGUYỄN THANH QUANG