Chuyến thăm quan trọng của Tổng thống Ấn Độ tới Việt Nam
Đây là chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên của Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind tới Việt Nam và cũng là chuyến thăm đầu tiên đến khu vực châu Á kể từ khi nhậm chức Tổng thống vào tháng 7.2017.
Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind.
Ngày 18.11, Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind và Phu nhân bắt đầu thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 18-20.11, theo lời mời của Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Thành viên Đoàn chính thức có: Tổng thống Ram Nat Kovind; bà Savita Kovind, Phu nhân Tổng thống; ông Anantkumar Hegde, Quốc vụ khanh; ông Heena Gavit, Nghị sĩ; ông Kamakhya Prasad Tasa, Nghị sĩ; bà Vijay Thakur Singh, Thứ trưởng (phương Đông), Bộ Ngoại giao; ông Parvathaneni Harish, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam; ông Brahat Lal, Vụ trưởng phụ trách các vấn đề liên quan của Tổng thống; Thiếu tướng CP Cariappa, Thư ký Tổng thống về quốc phòng; ông Nagesh Singh, Vụ trưởng Vụ Lễ tân, Bộ Ngoại giao; ông Manish, Vụ trưởng Vụ phương Nam, Bộ Ngoại giao; ông Randhir Jaiswal, Vụ trưởng, Thư ký Tổng thống về xã hội. Tạo động lực mới cho quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu tin tưởng, chuyến thăm chính thức cấp Nhà nước của Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind đến Việt Nam sẽ tạo thêm một động lực mới cho mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai bên, với quyết tâm đưa mối quan hệ song phương ngày càng thực chất và hiệu quả.
Theo Đại sứ Phạm Sanh Châu, việc Việt Nam là nước Châu Á đầu tiên Tổng thống Ram Nath Kovind thăm sau khi ông nhậm chức khiến Đại sứ liên tưởng đến một sự kiện lịch sử là Thủ tướng Jawaharlal Nehru là chính khách nước ngoài đầu tiên thăm Việt Nam năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ.
“Một điều đặc biệt nữa là, cách đây 60 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm chính thức Ấn Độ và đã được Thủ tướng J. Nehru và nhân dân Ấn Độ chào đón như “một nhà cách mạng vĩ đại và một người anh hùng huyền thoại””, Đại sứ chia sẻ trên Báo Quốc tế.
Đại sứ nhấn mạnh, chuyến thăm của Tổng thống Ram Nath Kovind một lần nữa là minh chứng cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp và đang phát triển ngày càng tốt đẹp, hiệu quả giữa hai bên. Từ khi hai nước ký kết Đối tác Chiến lược Toàn diện, hàng năm đều có các chuyến thăm cấp cao.
Việc trao đổi đoàn lãnh đạo cấp cao thường xuyên củng cố thêm sự tin cậy chính trị giữa hai nước. Những điểm tương đồng về lợi ích chiến lược cũng như quan điểm đối với các vấn đề quốc tế trở thành nền tảng vững chắc để hai bên phát triển mối quan hệ chính trị, quốc phòng, an ninh,…ngày càng thực chất và sinh động. Đối với Ấn Độ, Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong chính sách Hành động Hướng Đông, là đối tác đáng tin cậy trong các nước ASEAN. Trong khi đó, Việt Nam luôn xem Ấn Độ là người bạn đáng tin cậy, ủng hộ vai trò nổi bật hơn của Ấn Độ trong ASEAN.
Đại sứ cho biết, bên cạnh quan hệ tốt đẹp về chính trị - ngoại giao, quốc phòng -an ninh, hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ trong những năm gần đây có những bước phát triển vượt bậc. Ấn Độ đã trở thành một trong 12 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam hiện nay.
Kể từ khi hai nước ký Hiệp định đối tác chiến lược năm 2007, thương mại song phương đã tăng 5 lần trong 10 năm qua từ mức 1,53 tỷ USD năm 2007 lên gần 7,7 tỷ USD, đặc biệt xuất khẩu từ Việt Nam sang Ấn Độ đã tăng 21 lần, cả năm 2007 xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ chỉ đạt 180 triệu USD tăng lên 3,76 tỷ trong năm 2017, tốc độ tăng trưởng bình quân trong 10 năm đạt 41%/ năm.
Theo số liệu của Bộ Công Thương Ấn Độ, thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ trong năm tài chính 2017 - 18 đạt 12,83 tỷ USD, tăng 26,96% so với năm trước, trong đó Ấn Độ xuất khẩu sang Việt Nam đạt 7,81 tỷ USD tăng 15,13%, nhập khẩu 5,01 tỷ USD tăng 51,14%. Riêng trong 10 tháng năm 2018, kim ngạch hai chiều giữa hai nước đã đạt 9,2 tỷ UDS, tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Với đà tăng trưởng như trên cùng với quyết tâm của chính phủ và doanh nghiệp hai bên, mục tiêu đạt kim ngạch thương mại 15 tỷ USD vào năm 2020 như Lãnh đạo hai nước đề ra hoàn toàn có thể đạt được và hai nước có thể tự tin đặt mục tiêu thương mại mới”, Đại sứ cho biết. Thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực
Trong khi đó, giới chuyên gia và học giả Ấn Độ cũng nhận định chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam của Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind có ý nghĩa quan trọng và sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực. Một điểm đáng lưu ý là Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind bắt đầu chuyến thăm Việt Nam tại Đà Nẵng, nơi ông sẽ đi thăm Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam). Khu di tích gồm nhiều đền đài Hindu giáo được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới này được xem như một chứng tích trường tồn cùng thời gian nêu bật sự gắn kết văn minh giữa hai dân tộc. Đây là di tích Ấn Độ giáo hiện đang được Chính phủ Ấn Độ hỗ trợ bảo tồn, tôn tạo.
Tiến sĩ Sonu Trivedi, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam tại Ấn Độ, Giảng viên cao cấp tại Đại học Delhi, cho rằng chuyến thăm Việt Nam tới đây đánh dấu lần đầu tiên Tổng thống Ram Nath Kovind công du một quốc gia ở phía Đông của Ấn Độ, trong khi Việt Nam cũng là nước ASEAN đầu tiên mà nhà lãnh đạo Ấn Độ lựa chọn trong chuyến công du châu Á chính thức của mình.
Trong khi đó, Tiến sĩ Faisal Ahmed, Trưởng khoa Thương mại quốc tế thuộc Đại học Quản trị FORE, New Delhi, đánh giá chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Tổng thống Ram Nath Kovind chắc chắn sẽ làm sâu sắc hơn nữa sự tương tác song phương và mang lại những cơ hội cho Việt Nam và Ấn Độ đẩy mạnh quan hệ trong bối cảnh lớn hơn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đặc biệt khi Việt Nam là nhân tố quan trọng trong chính sách "Hành động Hướng Đông" của Ấn Độ.
Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Parvathaneni Harish khẳng định: “Mối quan hệ Việt Nam và Ấn Độ là Quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện và việc trao đổi đoàn cấp cao giữa hai nước là vô cùng quan trọng. Chuyến thăm cấp nhà nước lần này là cơ hội tốt để hai bên cùng thảo luận các vấn đề liên quan trong mối quan hệ phát triển giữa hai nước và đặt ra con đường phát triển mới trong tương lai.”.
Đặc biệt, Đại sứ Parvathaneni Harish nhấn mạnh: “Mối quan hệ về kinh tế và thương mại là một trụ cột quan trọng trong mối quan hệ giữa hai nước. Lãnh đạo cấp cao hai nước cũng đã đưa ra mục tiêu thương mại song phương đạt 15 tỷ USD vào năm 2020.”
Theo Thành Đạt (Chinhphu.vn)