Cán bộ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu
Ngày 25.10.2018, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 08-QÐi/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Báo Bình Ðịnh đã ghi lại những ý kiến tâm đắc của các đảng viên trên địa bàn tỉnh về Quy định này.
Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII) đã thông qua Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.
* Ông Phan Thành Lang, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Chủ tịch Hội Cựu tù chính trị cách mạng tỉnh:
Nội dung quan trọng trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng
Quy định lần này chỉ có 4 điều, mỗi điều nêu rất cụ thể nội dung nêu gương. Đặc biệt điều 3 và điều 4, mỗi điều nêu rõ 8 nội dung mà cán bộ và đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải nghiêm túc thực hiện và có ý nghĩa rất lớn trong toàn Đảng, toàn xã hội.
Ông Phan Thành Lang
Quy định về trách nhiệm nêu gương của Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần này là nhằm cụ thể hóa và làm rõ hơn Quy định 101-QĐ/TW, ngày 7.6.2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19.12.2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên. Thời gian qua, thực hiện các Quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương, cán bộ, đảng viên đã có những chuyển biến tích cực về chính trị, đạo đức lối sống và tác phong làm việc. Ý thức tổ chức, kỷ luật Đảng được nâng cao. Việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng đạt được những kết quả quan trọng, góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên qua thực tiễn thực hiện nhiệm vụ của Đảng và nhân dân giao phó vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ, đảng viên cấp cao có những sai lầm, khuyết điểm như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã chỉ rõ: Một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” làm mất lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân để lại những hậu quả nghiêm trọng. Trong số những cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng, có người từng là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Do vậy, Quy định về trách nhiệm nêu gương lần này được dư luận xã hội rất quan tâm và ủng hộ, cán bộ, đảng viên rất phấn khởi và tin tưởng vào quyết tâm thực hiện của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương.
Việc nêu gương của những người lãnh đạo, những người đứng đầu có ý nghĩa hết sức quan trọng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 8, nhấn mạnh: “Nếu gần 200 Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, từng đồng chí thực sự soi vào bản thân, đề cao trách nhiệm nêu gương và gương mẫu đi đầu thực hiện thì sẽ có sức lan tỏa rất lớn, sẽ tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư”.
Quy định về trách nhiệm nêu gương là một nội dung quan trọng trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, góp phần xây dựng Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh để lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân và toàn quân bảo vệ và xây dựng đất nước, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
* Ông Nguyễn Cảnh Huệ, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh; Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về văn hóa - xã hội (Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh):
Cán bộ có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu
Trong công tác tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục thì nêu gương là phương pháp tốt nhất. Sinh thời Bác Hồ đã từng khẳng định: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” và Bác cũng đặc biệt coi trọng việc “nêu gương người tốt, việc tốt”, “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Do đó, trong đội ngũ cán bộ, đảng viên thì cán bộ lãnh đạo càng cao càng phải gương mẫu, đi đầu trong việc nêu gương.
Ông Nguyễn Cảnh Huệ
Thật ra việc yêu cầu nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ, đảng viên giữ cương vị lãnh đạo, quản lý các cấp đã có từ lâu nhưng thiếu những quy định cụ thể. Lần này, để thực hành nêu gương của cán bộ, đảng viên, Đảng đặc biệt nhấn mạnh việc nêu gương của cán bộ, đảng viên giữ cương vị lãnh đạo cấp cao như: Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và đưa ra những quy định cụ thể. Với gần 200 Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương theo quy định này phải thật sự là những tấm gương sáng, gương mẫu, đi đầu trong mọi việc. Đây sẽ là một biện pháp quan trọng nhất để ngăn chặn, đẩy lùi nạn tham nhũng, lãng phí và tiêu cực trong Đảng và xã hội, củng cố lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng và chế độ.
Từ quy định nêu gương lần này của Đảng, nên chăng các ngành, các địa phương cần có quy định nêu gương đối với các chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt của ngành, địa phương mình, đặc biệt là người đứng đầu trong hệ thống chính trị. Vì vai trò nêu gương của người đứng đầu có ảnh hưởng quyết định đến cán bộ, đảng viên và nhân dân ở đơn vị, địa phương đó.
Để biến lý thuyết, tư tưởng thành hành động, hiện thực hóa những quy định nêu gương đối với cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu cần tìm ra giải pháp, công cụ cụ thể để biến tư tưởng thành các thiết chế bắt buộc, một công cụ bảo đảm mọi cán bộ, đảng viên phải thực hiện.
NGUYỄN PHÚC (Ghi)