Loại bỏ khái niệm “ca khúc trước năm 1975”
Dự thảo Nghị định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn dự kiến sẽ được Bộ VH-TT-DL trình Chính phủ trong tháng 11-2018. Theo đánh giá, nhiều nội dung mới được đưa vào nghị định theo hướng “cởi trói” cho các thủ tục cấp phép được cho là rườm rà, gây khó cho nghệ sĩ.
Ca sĩ Hương Lan (thứ hai, từ phải sang) và các nghệ sĩ hải ngoại khác sẽ được cấp phép biểu diễn có thời hạn. Ảnh: GIA BÌNH
Ông Nguyễn Quang Vinh, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn, cho biết điểm nổi bật của dự thảo nghị định chính là việc sẽ bỏ thủ tục cấp phép ca khúc. Điều này nhằm góp phần mở rộng không gian, sự tự do trong sáng tạo của nghệ sĩ.
Theo ông Nguyễn Quang Vinh, một trong những “điểm nóng” được sửa đổi trong dự thảo lần này là việc hướng tới loại bỏ và phân quyền việc cấp phép biểu diễn ca khúc về cho các địa phương. Khi lấy ý kiến góp ý dự thảo, có ý kiến vẫn muốn tiếp tục quản lý việc cấp phép nhưng số đó không nhiều, rơi vào một số địa phương xa xôi và chưa tự tin trong việc này. Với những thành phố lớn, có đủ năng lực, đều tin rằng mình đủ năng lực để thẩm định được. Chưa kể, không phải bài hát đã được cấp phép thì hát ở đâu cũng được vì còn phụ thuộc vào tính chất văn hóa của không gian hát. Dự thảo nghị định sẽ giao quyền cho địa phương để tự quyết việc bài hát nào phù hợp không gian và thời điểm nào.
Đạo diễn Tuyết Minh, thành viên ban soạn thảo dự thảo nghị định, nói: “Trong nhịp sống ngày hôm nay và về góc độ hòa hợp dân tộc, người làm quản lý mong muốn quy tụ nguồn lực về Việt Nam. Công sức lao động trong sáng tạo cũng phải hướng đến làm sao không chảy máu chất xám. Từ những thực tế đó, trong xây dựng chính sách phải xóa bỏ những ranh giới không đáng có”. Theo đạo diễn Tuyết Minh, bài hát, tác phẩm trước hay sau năm 1975, trong nước hay hải ngoại cũng đều phản ánh cảm xúc con người nên việc cấp phép phải dựa trên thẩm mỹ nghệ thuật. Tác phẩm không đi ngược với pháp luật, kể cả ngôn từ, giai điệu… thì được quyền đến với công chúng.
Xoay quanh nội dung này, ông Nguyễn Quang Vinh cũng nhấn mạnh việc sẽ không phân định là bài hát trước hay sau năm 1975 nữa. Nhóm soạn thảo đã xây dựng việc hướng tới việc xóa bỏ ranh giới không gian, thời điểm bởi nếu trước năm 1975, hay sau năm 1975, hay thậm chí ngay ngày mai không phù hợp thì cũng không được hát. “Dự thảo mới sẽ tiến hành loại bỏ khái niệm “ca khúc trước năm 1975”. Bỏ cấp phép cho ca khúc nghĩa là ca khúc sáng tác ở thời gian, không gian nào cũng bình đẳng như nhau, không khoanh vùng đặc biệt để cấp phép”, ông Nguyễn Quang Vinh nói.
Một trong những điểm mới ở dự thảo nghị định này chính là phân cấp quản lý. Theo Nghị định 79 và Nghị định 15 hiện hành, cục là đơn vị cấp phép cho tổ chức mời nghệ sĩ hải ngoại về diễn. Trước đây, ca sĩ hải ngoại về biểu diễn trong nước cần có một tổ chức đứng ra xin phép và vô hình trung sẽ trở thành ca sĩ độc quyền của đơn vị tổ chức. Theo dự thảo nghị định mới, người được cấp phép biểu diễn trong nước sẽ được biểu diễn trong thời hạn 3 tháng, 6 tháng… Trong thời hạn đó, người được cấp phép có quyền biểu diễn với bất cứ đơn vị tổ chức nào chứ không phải một đơn vị tổ chức mời về và độc quyền. Thay đổi ở đây chính là thay vì cấp phép cho tổ chức thì sẽ cấp phép cho cá nhân. Tuy nhiên, Cục Nghệ thuật Biểu diễn cấp phép cho cá nhân nghệ sĩ được về Việt Nam biểu diễn nhưng còn diễn ra ở địa phương nào thì địa phương đó phải căn cứ vào tình hình cụ thể. Có những chương trình, nghệ sĩ A, bài hát B diễn ở địa phương này thì phù hợp nhưng ở địa phương khác thì không phù hợp. Điều đó địa phương tự xem xét.
Nhận xét về những thay đổi này, bà Hoài Oanh, Giám đốc Công ty Đông Đô Show, cho biết dự thảo nghị định đã tạo ra sự thông thoáng đối với các chương trình biểu diễn nghệ thuật. Trước đây, các đơn vị tổ chức phải xin phép trước đêm diễn từ 7 - 10 ngày thì nay thời gian này đã rút ngắn. Hơn nữa, quy định về quyền tác giả và quyền liên quan được đưa vào dự thảo nghị định đảm bảo tính chặt chẽ, không còn yêu cầu những giấy tờ kèm theo mang tính cứng nhắc.
Cũng trong dự thảo nghị định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn lần này có nhiều điểm thông thoáng hơn, thủ tục đơn giản hơn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nghệ sĩ, người đẹp… Cụ thể, theo quy định trước đây, chỉ tốp 3 người đẹp đoạt giải cao nhất các cuộc thi trong nước mới được đại diện Việt Nam đi thi các cuộc thi nhan sắc quốc tế thì nay dự thảo nghị định quy định điều kiện để thí sinh dự thi người đẹp, người mẫu quốc tế là được đơn vị tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu trong nước chứng nhận thuộc danh sách 10 thí sinh xuất sắc nhất, không vi phạm pháp luật, có giấy mời của ban tổ chức cuộc thi quốc tế…
Theo MAI AN (SGGP)