An Nhơn & mục tiêu “lấy di tích nuôi di tích”
TX An Nhơn là địa phương có hệ thống di tích văn hóa - lịch sử phong phú, đa dạng. Cùng với việc bảo tồn, TX An Nhơn đang hướng tới mục tiêu phát huy giá trị di tích trong đời sống, nhất là phục vụ cho các hoạt động du lịch để có thêm nguồn lực phát triển bền vững.
Hiện nay, trên địa bàn TX An Nhơn có 18 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng (7 di tích cấp quốc gia và 11 di tích cấp tỉnh) và 4 di tích đang đề nghị xếp hạng. Đây là nơi tập trung dày đặc các di tích, phế tích đền tháp Champa, các khu lò gốm Champa và nhiều tác phẩm điêu khắc đá. Không chỉ xem đây là “của cải quý giá” để tự hào, những năm gần đây TX An Nhơn còn tích cực tính đến việc phát huy các giá trị này vào đời sống, thậm chí trong định hướng lâu dài còn là “lấy di tích nuôi di tích”.
Di tích thành Hoàng Đế (xã Nhơn Hậu, TX An Nhơn) là địa chỉ thu hút nhiều khách tham quan. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
Tạo sức hút cho di tích
Nhiều năm qua, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc tham gia bảo vệ, giữ gìn các di tích được thị xã quan tâm, chú trọng. Theo đó, trong chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH hàng năm đều có nội dung tăng cường quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử phối hợp công tác trùng tu, tôn tạo.
Không chỉ những di tích văn hóa vốn đã được biết đến rất nhiều như các công trình đền tháp Champa, thành Hoàng Đế… nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, sau khi xây dựng hoàn thành năm 2016, ngay như khu di tích lịch sử chi bộ Hồng Lĩnh - một trong ba chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Bình Định - cũng dần được nhiều người biết, đến tham quan. Riêng 9 tháng đầu năm 2018 di tích này đã đón hơn 30 đoàn và 11.000 lượt khách. Theo bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, cán bộ Trung tâm VH-TT&TT TX An Nhơn, bên cạnh làm tốt công tác tuyên truyền, việc trưng bày hiện vật, hình ảnh lịch sử khá đa dạng, bắt mắt giúp di tích thu hút du khách.
Hiện nay, 14/18 (tỉ lệ 77,8%) di tích trên địa bàn TX An Nhơn đã xếp hạng, cắm mốc khoanh vùng bảo vệ. Theo ông Đào Xuân Huy, Phó Chủ tịch UBND TX AN Nhơn, năm 2017, UBND TX An Nhơn đã ban hành Đề án Phát triển sự nghiệp văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao giai đoạn 2016 - 2020. Đến năm 2020, khi kết hợp di tích, danh lam thắng cảnh với các lễ hội - điển hình như Lễ hội vía bà xã Nhơn Phong, với các làng nghề - điển hình là làng rượu Bàu Đá, làng mai xuân Nhơn An, đặc biệt là làng võ An Thái… An Nhơn sẽ sở hữu nhiều tour du lịch cực kỳ hấp dẫn.
Tháp Cánh Tiên (xã Nhơn Hậu, TX An Nhơn). Ảnh: VĂN LƯU
Từ điểm nhấn đến liên kết vùng
Tuy nhiên, hiện nay do quảng bá, đầu tư chưa đồng bộ nên các điểm đến có sức hút lớn quanh quẩn vẫn là các địa chỉ: thành Hoàng Đế, tháp Cánh Tiên, khu di tích chi bộ Hồng Lĩnh, Miếu Bà Nhơn Phong. Nhiều di tích, thắng cảnh điểm đến vẫn còn ở dạng tiềm năng chưa được khai thác hết hoặc còn ở dạng nhỏ lẻ, manh mún. Phát biểu tại đợt giám sát của HĐND tỉnh về công tác quản lý bảo tồn và phát huy giá trị di tích văn hóa, lịch sử tại TX An Nhơn, bà Trần Thị Huyền Trang, Phó Chánh Văn phòng HĐND tỉnh nhận xét như một gợi ý: “TX An Nhơn là nơi bảo tồn di tích rất tốt nhưng chúng ta đã lãng phí rất lâu, chúng ta không dựa vào nhân vật lịch sử để ăn theo, và trách nhiệm với nhân vật lịch sử chúng ta cũng chưa làm được. Ví như Huyền Trân công chúa chỉ đi qua Huế, nhưng Huế lấy lý do Châu Ô, Châu Lý được đổi về nhờ cuộc hôn nhân lịch sử của Huyền Trân và Chế Mân, người ta đã làm nên một đền thờ rất đẹp, ngoài việc tưởng vọng người có công lớn còn là điều kiện để phát triển du lịch. Trong khi đó đất Bình Định là nơi Huyền Trân về làm dâu tại khu vực thành Hoàng Đế bây giờ, tức ngày xưa thuộc kinh thành Champa, đến nay chúng ta chưa có một hoạt động nào để tưởng niệm hoặc một đền thờ nhỏ mà đến giờ chỉ còn trên giấy mực”.
Theo ông Đào Xuân Huy, liên quan đến văn hóa du lịch thị xã đã kiến nghị UBND tỉnh cho xây dựng Bảo tàng Champa ở An Nhơn vì đây từng là kinh đô Champa, xây dựng bảo tàng ở đây vừa chính danh vừa tạo thêm điểm nhấn để thị xã thu hút, phát triển khai thác các tiềm năng về văn hóa, lịch sử. Mặt khác, với việc An Nhơn phát triển như vậy, rõ ràng thị xã sẽ dễ dàng kết nối với Quy Nhơn, Tuy Phước và khi ấy việc liên kết vùng, liên kết điểm đến sẽ khiến bản đồ du lịch tỉnh Bình Định rộng, phong phú hơn.
THẢO KHUY