Chăn nuôi gây ô nhiễm khu dân cư
Nhiều năm nay, hàng chục gia đình ở xóm Mỹ Lý, thôn Mỹ Thuận, xã Cát Hưng (huyện Phù Cát) vô cùng khổ sở vì phải chịu mùi hôi thối phát ra từ trại nuôi heo của hộ ông Nguyễn Hữu Cung (trú cùng địa phương). Người dân mong chính quyền địa phương và ngành chức năng liên quan sớm có biện pháp xử lý, bảo vệ môi trường sống trong lành khu dân cư.
Chuồng nuôi heo của gia đình ông Cung nằm trong khu dân cư, nhưng không có hệ thống thu gom, xử lý nước thải đúng chuẩn.
Gọi điện tới đường dây nóng báo Bình Định, người dân xóm Mỹ Lý trình bày: Cách đây khoảng 10 năm, gia đình ông Nguyễn Hữu Cung xây dựng trại chăn nuôi heo ngay trong khu dân cư, mỗi đợt nuôi từ 60 - 70 con. Vậy nhưng, ông Cung không xây dựng hệ thống thu gom, xử lý phân và nước thải đúng tiêu chuẩn; toàn bộ nước thải mỗi khi vệ sinh chuồng đều thải trực tiếp ra khu vực suối cầu Mỹ Thuận. Hiện nước tại con suối đen ngòm, nhiều đoạn nước đặc quánh, bốc mùi hôi thối nồng nặc, ảnh hưởng xấu đến đời sống, sức khỏe của người dân trong vùng.
Chưa hết, khoảng 2 - 3 năm gần đây, gia đình ông Cung tiếp tục xây chuồng trại chăn nuôi gà, mỗi đợt nuôi hàng trăm con. Dù mở rộng quy mô và loại vật nuôi, nhưng ông Cung không xây dựng, cải thiện hệ thống xử lý chất thải. Tình trạng này khiến hàng chục hộ dân ở gần đó bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Cảnh, ở cách trại chăn nuôi của ông Cung chừng 100 m, than thở: “Nhiều lúc đang ăn cơm, mùi hôi thối theo gió xộc thẳng vào, khiến ai cũng buồn nôn. Đặc biệt, ông Cung bắt ống nhựa, xả nước thải và phân heo trực tiếp ra suối, khiến môi trường và nguồn nước ngầm bị ô nhiễm nặng”.
Ông Cung bắt ống nhựa, xả trực tiếp nước thải ra khu vực suối cầu Mỹ Thuận, khiến nước suối có màu đen ngòm.
Một người dân khác ở gần nhà ông Cung cho biết: “Thường xuyên ngửi mùi hôi thối từ phân heo, phân gà nên nhiều người mắc các chứng bệnh liên quan đến đường hô hấp, đặc biệt người già và trẻ nhỏ thường cảm thấy khó thở, buồn nôn. Chúng tôi gặp ông Cung, đề nghị có biện pháp khắc phục nhưng ông phớt lờ và có lời lẽ thách thức. Chưa hết, mỗi khi gà bị chết, ông Cung gom vào bao ni lông rồi vứt ra suối và mương nước, gây ô nhiễm môi trường khu dân cư. Bức xúc, người dân gửi đơn tới xã, huyện kiến nghị giải quyết, nhưng nhiều năm trôi qua chưa có kết quả”.
Ông Võ Ngọc Thương, Chủ tịch UBND xã Cát Hưng, xác nhận: UBND xã đã nhận được phản ảnh của người dân xóm Mỹ Lý về tình trạng ô nhiễm môi trường do trại chăn nuôi heo, gà của ông Cung gây ra. Cán bộ chuyên môn của địa phương đã tới hiện trường kiểm tra, ghi nhận phản ảnh của người dân là đúng thực tế.
“Chúng tôi làm việc với ông Cung, đề nghị có biện pháp khắc phục mùi hôi, đảm bảo vệ sinh môi trường và chủ chăn nuôi đã cam kết thực hiện. Tới đây, nếu tình trạng ô nhiễm còn xảy ra, UBND xã sẽ kiên quyết xử lý, buộc gia đình ông Cung ngưng chăn nuôi; trường hợp gia đình ông muốn tiếp tục hoạt động thì phải tìm địa điểm cách xa khu dân cư”, ông Thương nhấn mạnh.
Xã Cát Hưng vừa được cơ quan chức năng thẩm định, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Do vậy, chính quyền địa phương cần sớm có biện pháp giải quyết dứt điểm tình trạng chăn nuôi gây ô nhiễm khu dân cư, tạo môi trường sống trong lành, góp phần giữ vững các tiêu chí nông thôn mới.
C.LUẬN