NHÂN NGÀY TRUYỀN THỐNG NGÀNH THANH TRA VIỆT NAM (23.11):
Phát huy truyền thống “kỷ cương, trách nhiệm, liêm chính”
Ngày 23.11.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 64/SL thành lập “Ban thanh tra đặc biệt” - tổ chức tiền thân của ngành Thanh tra Việt Nam ngày nay. Ngành Thanh tra Bình Ðịnh ra đời sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước; từng bước trưởng thành và có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp đổi mới, phát triển KT-XH của tỉnh.
Theo Chánh Thanh tra tỉnh Nguyễn Văn Thơm, trải qua chặng đường 43 năm xây dựng và phát triển (1975 - 2018), ngành Thanh tra Bình Định đã nhiều lần thay đổi mô hình tổ chức, cơ chế quản lý và phương thức hoạt động. Song, hoạt động của ngành luôn bám sát, phục vụ thiết thực nhiệm vụ chính trị trọng tâm của ngành và địa phương.
Thanh tra tỉnh khen thưởng cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác thanh tra.
Sâu sát, công khai
Riêng trong năm 2018, toàn ngành đã tiến hành 84 cuộc thanh tra hành chính tại 172 đơn vị trên các lĩnh vực đất đai, tài chính - ngân sách, đầu tư công, thực hiện chính sách an sinh xã hội và những vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Kết quả thanh tra đã phát hiện 64 đơn vị có sai phạm, trong đó sai phạm về kinh tế 14,886 tỉ đồng, 584.460 m2 đất các loại; kiến nghị xử lý thu hồi về cho Nhà nước 10,510 tỉ đồng, 37.169 m2 đất các loại; kiến nghị xử lý hình thức khác 4,375 tỉ đồng và 547.291 m2 đất. Đồng thời, kiến nghị xem xét, xử lý trách nhiệm đối với 15 tập thể và 47 cá nhân; chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ để xử lý theo pháp luật 2 vụ/5 đối tượng có dấu hiệu tội phạm.
“Điểm đáng chú ý là việc công khai các kết luận, quyết định xử lý về thanh tra được chú trọng thực hiện; qua đó góp phần nâng cao tác dụng giáo dục, răn đe, phòng ngừa tham nhũng, vi phạm pháp luật”, ông Thơm nói.
Phòng, chống tham nhũng (PCTN) cũng là một nhiệm vụ trọng tâm được giao cho ngành Thanh tra làm “chủ công”. Ngành đã tăng cường các hoạt động hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về PCTN và thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện pháp luật về PCTN. Trong năm 2018, đã giúp lãnh đạo các cấp, các ngành chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện việc kê khai, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập hàng năm đối với 9.018/9.020 cán bộ, công chức, viên chức có nghĩa vụ phải kê khai tài sản, thu nhập trên địa bàn tỉnh theo quy định (đạt 99,98%).
Đồng thời, tiến hành 23 cuộc thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện pháp luật về PCTN tại 39 cơ quan, tổ chức, đơn vị. Qua đó, phát hiện, chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ để xử lý theo quy định 3 vụ việc có dấu hiệu tội phạm, liên quan đến tham nhũng.
Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra
Phát huy truyền thống tốt đẹp và những kết quả đạt được, thời gian tới, ngành Thanh tra tỉnh tiếp tục đổi mới hoạt động, phấn đấu nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra. Trong đó, tập trung nâng cao hiệu quả xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra hàng năm có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương và chỉ đạo, hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ.
“Chú trọng thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ các quy trình nghiệp vụ thanh tra; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành và các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ; tăng cường theo dõi, đôn đốc, kiểm tra nhằm nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả xử lý sau thanh tra”, ông Nguyễn Văn Thơm nhấn mạnh.
Giữa lúc tình hình khiếu nại, tố cáo (KNTC) có chiều hướng phức tạp, ngành Thanh tra xác định giải pháp trọng tâm là tăng cường quản lý nhà nước về thanh tra, giải quyết KNTC và PCTN; nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật các nội dung liên quan cho cán bộ và nhân dân. Cùng với đó là hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về thanh tra, giải quyết KNTC, PCTN đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Mặt khác, sẽ tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy; quan tâm đến công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện đội ngũ công chức Thanh tra cả về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Tổ chức thực hiện thường xuyên, nghiêm túc công tác kiểm tra, giám sát nội bộ nhằm từng bước xây dựng ngành Thanh tra trong sạch vững mạnh; xây dựng đội ngũ công chức Thanh tra “Kỷ cương, trách nhiệm, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư” theo đúng chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ.
NGUYỄN VĂN TRANG