Thiếu hụt nhân lực trong lĩnh vực CNTT: Thách thức & Cơ hội
Nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin đang đầu tư vào Bình Ðịnh, với nhu cầu nguồn nhân lực rất lớn. Xu hướng này gợi mở cơ hội rất lớn về việc làm cho sinh viên Bình Ðịnh.
Đội ngũ kỹ sư CNTT được Công ty TNHH TMA Solutions chuẩn bị cho việc triển khai dự án Công viên Sáng tạo TMA tại khu Đô thị Khoa học và Giáo dục Quy Hòa (TP Quy Nhơn).
“Khát” nhân lực
Ông Võ Gia Nghĩa, Phó Giám đốc Sở TT&TT cho biết, đến nay tại tỉnh ta đã có những “con sếu” đầu đàn về lĩnh vực phần mềm, như Công ty TNHH TMA Solutions, FPT Software Quy Nhơn, Công ty TNHH Ninja Q. Sự xuất hiện của các “ông lớn” công nghệ thông tin (CNTT) và những cuộc tìm kiếm, tuyển dụng nhân sự của họ là cơ hội lớn cho phát triển CNTT và việc làm của sinh viên ngành này tại Bình Định.
Trong đó, riêng Dự án Công viên Sáng tạo TMA ở khu Đô thị khoa học và Giáo dục Quy Hòa (TP Quy Nhơn) của TMA Solutions dự kiến cần khoảng 3.000 kỹ sư khi đi vào hoạt động. Bên cạnh việc thu hút các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước về làm việc tại đây, TMA sẽ ưu tiên tiếp nhận sinh viên Trường ĐH Quy Nhơn cũng như các trường đại học khu vực miền Trung đến thực tập và làm việc.
Với tình trạng khan hiếm nhân lực diễn ra nhiều năm, Công ty TNHH Phần mềm FPT (Hà Nội) không thể trông cậy vào các khu vực cũ mà phải mở rộng vùng tuyển dụng. Năm 2018, FPT Software Quy Nhơn chính thức ra mắt văn phòng tại TP Quy Nhơn và ráo riết tuyển dụng nhân sự tại Bình Định. Ông Lê Đắc Liêm, Phó Giám đốc FPT Software Quy Nhơn, cho biết: “Kế hoạch của FPT Software Quy Nhơn đến năm 2020 phải thu hút cho được 500 nhân lực cho các dự án về CNTT. Nhu cầu nguồn nhân lực trong lĩnh vực này hiện rất lớn, đây cũng chính là khó khăn đầu tiên của các DN”.
Câu chuyện “khát” nhân lực CNTT luôn khiến nhiều DN đau đầu. Trong tháng 11 này, Hội thảo về đầu tư CNTT tại Bình Định do Liên minh các DN xuất khẩu dịch vụ CNTT Việt Nam (VNITO) phối hợp tỉnh Bình Định tổ chức tại Quy Nhơn cũng là một chiến lược thăm dò thị trường nhân lực từ nguồn cung cấp của các trường đại học khu vực Nam Trung bộ, trong đó có Trường ĐH Quy Nhơn.
“Số lượng các DN đăng ký tham gia hội thảo tại Bình Định nhiều hơn hẳn so với các hội thảo tổ chức ở các tỉnh, thành khác. Có nhiều lý do để giải thích, nhưng quan trọng nhất các DN muốn đến Bình Định để tìm kiếm cơ hội tuyển dụng nhân sự. Chỉ 20 DN dự hội thảo tại Bình Định đã có nhu cầu nguồn nhân lực lên đến cả chục ngàn người”, ông Ngô Văn Toàn, Phó Chủ tịch Liên minh VNITO, cho hay.
Cơ hội rộng mở
Để giải quyết tình trạng khan hiếm này, các DN đã xây dựng các chính sách liên kết đào tạo, cho sinh viên kiến tập, thực tập, cam kết hỗ trợ việc làm, thậm chí “đặt hàng” ngay khi sinh viên còn ngồi trên ghế nhà trường. “Sự thiếu hụt nguồn nhân lực CNTT vô cùng lớn, do đó cơ hội càng nhiều thì thách thức cũng không hề nhỏ. Nhiều DN đánh giá Bình Định có nhiều điều kiện thuận lợi để đầu tư về CNTT, vấn đề quan trọng lúc này là sự chủ động của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là Trường ĐH Quy Nhơn”, ông Võ Gia Nghĩa nhận định.
Trên thực tế, để có nguồn nhân lực trình độ cao đáp ứng nhu cầu các DN, ngoài kiến thức nền, sinh viên cần có nhiều kỹ năng mềm, ngoại ngữ… Ông Trần Phúc Hồng, Phó Tổng giám đốc TMA Solution, cho rằng, ngoài các kiến thức được học trên giảng đường, sinh viên nên trau dồi thêm kỹ năng giao tiếp, tăng cường học hỏi, thường xuyên thực hành công nghệ, đặc biệt là trau dồi vốn tiếng Anh để có được những kiến thức nền vững chắc.
Còn ông Ngô Văn Toàn chia sẻ: “Không chỉ học CNTT mới có thể làm việc được trong lĩnh vực CNTT, mà học các ngành Toán, Kỹ thuật và Công nghệ cũng hoàn toàn có thể làm việc được trong lĩnh vực này, tùy theo tính chất của từng ngành học sẽ có những vị trí việc làm phù hợp”.
Trong khi đó, với vai trò đầu tàu, Trường ĐH Quy Nhơn cho biết đã có kế hoạch phối hợp với các DN để nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực CNTT. Bên cạnh đó, các công ty như FPT, TMA cũng đều có định hướng mở cơ sở đào tạo CNTT tại Bình Định.
Theo PGS.TS Đỗ Ngọc Mỹ - Hiệu trưởng Trường ĐH Quy Nhơn: Nắm bắt xu thế phát triển một số ngành nghề mới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sau khi phân tích một trong những điểm mạnh của nhà trường là khoa học cơ bản, trong đó Toán và CNTT là những thế mạnh, nhà trường đang tiến tới mở ngành khoa học dữ liệu. Trường cũng chú trọng công tác đào tạo ngoại ngữ, các kỹ năng mềm để nâng cao chất lượng đào tạo, tạo nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên. “Nói một cách cụ thể là chúng tôi tiếp cận DN để đào tạo sinh viên theo hướng ứng dụng”, Hiệu trưởng Trường ĐH Quy Nhơn khẳng định.
MAI HOÀNG