“Giang hồ” là ai?
“Giang hồ” là một từ được sử dụng khá phổ biến trong tiếng Việt, nhất là trong ngôn ngữ sinh hoạt, báo chí. Chẳng hạn, báo Bình Định điện tử ngày 2.5.2015, ở bài “Bắt 2 nhóm côn đồ”, có sử dụng từ này, trong đoạn: “Chỉ vì muốn khẳng định “số má” trong giới giang hồ...”. Vậy, “giang hồ” có nghĩa là gì?
Trước hết, “giang hồ” là một từ Việt gốc Hán. Trong đó, “giang” thuộc bộ thủy, nghĩa là “sông”; “hồ” cũng thuộc bộ thủy, khi vào tiếng Việt được Việt hóa hoàn toàn (giữ nguyên âm đọc và nghĩa). Như vậy, “giang hồ” chính là “sông và hồ”. Từ nghĩa chỉ nơi chốn, “giang hồ” được dùng với nghĩa hoán dụ để chỉ người, lối sống, môi trường sống. Trong thế giới võ hiệp, “giang hồ” là nơi, môi trường, cuộc sống các anh hùng hiệp sĩ “hành tẩu”. Nó được xem như một xã hội tồn tại bên cạnh xã hội đương thời, nơi gần như không có sự ràng buộc của pháp luật, vương quyền. Ở đó, người ta ràng buộc nhau bằng một “luật lệ” gọi là “nghĩa khí giang hồ”.
Trong hoạt động hành chức, “giang hồ” phái sinh thêm nét nghĩa chỉ “cảnh sống nay đây mai đó, một cách tự do, phóng túng” (như trong thú giang hồ); và nghĩa chỉ lớp người là những “giang hồ lãng tử” thích sống ngao du đây đó, hành hiệp trượng nghĩa (như trong khách giang hồ). Tuy nhiên, những nét nghĩa này hiện nay dần bị hạn chế phạm vi sử dụng.
Hiện nay, từ “giang hồ” chủ yếu được sử dụng với nghĩa mang sắc thái tiêu cực, chỉ những người sống ngoài vòng pháp luật, làm những nghề bị xã hội lên án như trộm cướp, đâm thuê chém mướn... Những tổ hợp mà ta thường gặp như “đại ca giang hồ”, “trùm giang hồ”, “giới giang hồ”,... được dùng với nghĩa này.
Vậy, từ đâu mà “giang hồ” là đối tượng địa lý lại được dùng để chỉ cho người, lối sống? Có một giả thuyết cho điều này là từ “giang hồ” bắt nguồn từ tác phẩm Thủy hử (nghĩa là “bến nước”) của Thi Nại Am, tác phẩm kể về 108 vị anh hùng chân đất tập hợp giữa nơi sông hồ, làm nên khởi nghĩa Lương Sơn Bạc nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa.
ThS. PHẠM TUẤN VŨ