Chủ động ứng phó với bão số 9
(BĐ)- Ngày 22.11, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường-Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai (PCTT) chủ trì cuộc họp trực tuyến với các tỉnh Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Nam bộ, để triển khai các giải pháp ứng phó với bão số 9. Dự cuộc họp tại điểm cầu Bình Định có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh và đại diện các sở, ngành cùng lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Quang cảnh Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác ứng phó với áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão số 9 tại điểm cầu Bình Định
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, sáng 22.11, áp thấp nhiệt đới đã vào biển Đông, di chuyển theo hướng Tây và chiều tối cùng ngày có thể mạnh lên thành bão số 9. Nhiều khả năng trong chiều tối 23.11, bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Quảng Ngãi trở vào đến Bà Rịa-Vũng Tàu. Càng vào bờ bão càng di chuyển chậm và mạnh thêm. Đáng chú ý là bão số 9 sẽ tương tác với đới gió lạnh từ phía Bắc di chuyển vào, tạo cho bão có độ xoáy lớn, thời gian bão hiện hữu khu vực gần bờ lâu hơn, mưa sẽ xảy ra lớn hơn. Từ ngày 24- 26.11, khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Thuận và các tỉnh Tây Nguyên sẽ có mưa lớn, lượng mưa từ 300-500 mm, các khu vực nói trên cũng sẽ xuất hiện lũ trên diện rộng ở mức báo động III đến trên báo động III; vùng núi có nguy cơ sạt lở, vùng đồng bằng có nguy cơ ngập lũ.
Nguồn: BTV
Trước diễn biến phức tạp của bão số 9, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia tiếp tục theo dõi, cập nhật thông tin về bão số 9 thông báo cho các tỉnh, thành đặc biệt là các tỉnh thuộc khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên- khu vực dự báo bị ảnh hưởng lớn của bão số 9 biết để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó. Các bộ, ngành Trung ương chuẩn bị lực lượng, phương tiện hỗ trợ các địa phương ứng phó bão số 9. Các tỉnh thành cần kiểm tra, kiểm đếm và liên lạc với ngư dân di chuyển tàu thuyền ra khỏi khu vực nguy hiểm; di dời các hộ dân sinh sống ở vùng bị triều cường, sạt lở, vùng trũng thấp đến nơi an toàn. Chủ động thực hiện các phương án PCTT và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm 4 tại chỗ.
Tại Bình Định, công tác ứng phó với bão số 9 đã được triển khai một cách khẩn trương. Sáng 22.11, ngành chức năng đã liên lạc và hướng dẫn ngư dân di chuyển tàu thuyền tìm nơi tránh trú an toàn. Toàn tỉnh có 6.245 tàu/43.031 ngư dân, trong đó có 4.194 tàu/26.505 ngư dân hoạt động ven bờ và neo đậu tại bến cá trong tỉnh; khu vực biển từ Thừa Thiên Huế - Hải Phòng có 118 tàu/1.631 ngư dân; từ Quảng Ngãi- Đà Nẵng có 296 tàu/2.710 ngư dân; từ Phú Yên đến Kiên Giang có 1.302tàu/10.285 ngư dân; khu vực quần đảo Hoàng Sa có 88 tàu/616 ngư dân; vùng biển giữa Hoàng Sa - Trường Sa có 98 tàu/703 ngư dân; khu vực quần đảo Trường Sa có 79 tàu/581 ngư dân. Hiện ngư dân đang di chuyển tàu thuyền ra khỏi vùng nguy hiểm. Bình Định cũng đã sẵn sàng các phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm 4 tại chỗ, trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn cho người dân sinh sống ở những nơi có nguy cơ thiên tai cao và bảo vệ an toàn cho các công trình thủy lợi…
T.SỸ