Chủ động phương án phòng, chống hạn
Nguy cơ hạn hán trong vụ sản xuất Ðông Xuân 2018 - 2019 và xảy ra trên diện rộng cả năm 2019 được ngành chức năng nhận định là rất cao. Trước tình hình đó, ngày 21.11, chủ trì cuộc họp liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền địa phương tập trung triển khai các biện pháp phòng, chống hạn.
4.085 ha có khả năng thiếu nước tưới cuối vụ
Theo Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT), lượng mưa trên địa bàn tỉnh từ đầu năm 2018 đến nay trên 1.000 mm, đạt 47% lượng mưa trung bình nhiều năm của cả năm. Lượng mưa thấp, nên các hồ chứa tích được ít nước, dòng chảy trên các sông, suối cũng giảm mạnh. Đến nay, các hồ chứa trong tỉnh tích được hơn 180/558 triệu m3 nước, đạt 31% dung tích thiết kế, bằng 57% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 15 hồ chứa nước lớn do Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định quản lý chỉ tích được 136/458 triệu m3, đạt 29% dung tích thiết kế. Còn hồ chứa do địa phương quản lý tích được 46/127 triệu m3 nước, đạt 36,2% dung tích thiết kế. Lượng nước hiện hữu tại các hồ chứa thủy điện Vĩnh Sơn, An Khê - Kanak và Trà Xom cũng đều rất ít.
Đến nay, các hồ chứa trong tỉnh tích được hơn 180/558 triệu m3 nước, đạt 31% dung tích thiết kế, bằng 57% so với cùng kỳ năm trước.
- Trong ảnh: Hồ chứa nước Hội Sơn ở huyện Phù Cát tích được rất ít nước.
Nhận định của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, mùa mưa năm 2018 kết thúc sớm hơn bình thường, từ tháng 11.2018 - 4.2019, tổng lượng mưa khu vực Nam Trung bộ phổ biến thấp hơn cùng kỳ nhiều năm từ 30% - 60%, dòng chảy sông suối thấp hơn từ 10% - 30%. Do vậy, nguồn nước cho vụ Đông Xuân 2018 - 2019 sẽ thiếu hụt nghiêm trọng, khả năng xảy ra hạn hán, thiếu nước sinh hoạt là rất cao.
Ông Nguyễn Hữu Vui, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, vụ Đông Xuân 2018 - 2019 tỉnh ta có kế hoạch sản xuất 65.610 ha cây trồng, trong đó có 46.744 ha lúa và 18.866 ha hoa màu. Trên cơ sở rà soát hiện trạng công trình tưới, nguồn nước hiện có và dự báo lượng mưa từ nay đến cuối năm còn khoảng 300 mm, diện tích sản xuất có thể đảm bảo được nước tưới khoảng 50.550 ha (trong đó, nguồn nước các hồ chứa hiện có cung cấp nước tưới cho 21.150 ha, đập dâng tưới 21.600 ha, trạm bơm 5.800 ha, công trình tạm 2.000 ha). Đáng chú ý, diện tích có khả năng bị thiếu hụt từ 2-3 đợt tưới vào cuối vụ là 4.085 ha; trong đó, có 1.537 ha ở huyện Vĩnh Thạnh và TX An Nhơn thuộc các khu vực tưới từ các công trình thủy lợi của Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định quản lý; và 2.548 ha cây trồng ăn nước từ công trình thủy lợi do các huyện Vân Canh, Phù Mỹ, Phù Cát, Hoài Ân, Vĩnh Thạnh, Tuy Phước và TP Quy Nhơn quản lý. Nguồn nước bị thiếu hụt cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động nuôi trồng thủy sản.
Cùng với sản xuất, nguồn nước sinh hoạt cũng sẽ thiếu nghiêm trọng. Dự kiến, toàn tỉnh có 7.130 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt, thời điểm gay gắt nhất diễn ra từ tháng 6 - 8.2019 số hộ bị thiếu nước khoảng 10.000 với 42.000 nhân khẩu.
Tập trung phòng, chống hạn
Nhận định khả năng xảy ra hạn hán là rất cao, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu yêu cầu Sở NN&PTNT, UBND các huyện, thị xã, thành phố thành lập Ban chỉ đạo phòng chống hạn, rà soát, nắm chắc diện tích sản xuất, những vùng thực sự không có nước và những vùng cuối vụ thiếu nước. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch tưới, lịch tưới, lịch bơm nước thông báo cho người dân biết để chủ động bố trí sản xuất. Tập trung chỉ đạo và đôn đốc nông dân đẩy nhanh tiến độ làm đất, gieo sạ tập trung, đồng loạt theo từng vùng, từng cánh đồng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền địa phương tập trung các biện pháp phòng, chống hạn.
Bên cạnh đó, thường xuyên theo dõi chặt chẽ dự báo khí tượng, thủy văn để vận hành điều tiết các hồ chứa phù hợp, bảo đảm nước phục vụ dân sinh và sản xuất nông nghiệp. Các đơn vị bố trí cơ cấu sản xuất, mùa vụ, thời điểm xuống giống phù hợp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với diện tích thiếu nước; sử dụng các giống cây thích ứng với điều kiện hạn hán. Tận dụng tối đa nguồn nước tự nhiên còn lại sau mùa mưa từ ao, hồ, sông suối, mương rạch để cung cấp nước cho vụ Đông Xuân và tiết kiệm nguồn nước các hồ chứa thủy lợi, thủy điện để dành cung cấp cho vụ sản xuất sau.
Một vấn đề cũng được Phó Chủ tịch Trần Châu nhấn mạnh yêu cầu các địa phương, HTX, đơn vị quản lý thủy nông chú trọng là việc sử dụng nguồn kinh phí cấp bù thủy lợi phí để đầu tư nạo vét kênh mương, thông thoáng dòng chảy, đắp đập tạm, bờ bao, đào ao, vét giếng, lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến để tận dụng nguồn nước phục vụ sản xuất; rà soát, khôi phục các công trình chống hạn, sẵn sàng chống hạn. Đồng thời, củng cố các tổ, đội thủy nông nội đồng để quản lý, điều tiết tưới hạn chế tranh chấp, chống lãng phí nước. Tăng cường thông tin, tuyên truyền về tình hình thiếu nước, khô hạn để người dân biết và chủ động sử dụng nước tiết kiệm, tích cực phối hợp các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi điều tiết, sử dụng nước hiệu quả. Chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn phát huy các công trình cấp nước tập trung và khôi phục các công trình đã đầu tư để chống hạn, sẵn sàng cấp nước cho dân. Đối với những công trình cấp nước tập trung đang đầu tư xây dựng hoặc nâng cấp sửa chữa, các đơn vị đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành đưa vào hoạt động cấp nước cho dân trước thời điểm nắng hạn.
PHẠM TIẾN SỸ