Phí tổn tăng, ngư dân gặp khó
Thời gian qua, giá nhiên liệu xăng dầu tăng nhiều hơn giảm đã kéo giá các mặt hàng, dịch vụ tăng theo, nên chi phí cho các chuyến khai thác, đánh bắt của ngư dân cũng tăng cao. Trong khi đó, sản lượng khai thác giảm, giá thủy sản vẫn giữ mức cũ, không ít tàu cá phải nằm bờ do thu không đủ chi.
Ông Đỗ Mơ, ở xã Hoài Thanh (huyện Hoài Nhơn) chủ tàu cá BĐ 98187 TS, công suất 800 CV, làm nghề lưới vây ánh sáng, bộc bạch: “Mỗi chuyến biển kéo dài từ 20 - 25 ngày, nếu trước đây phí tổn chỉ từ 110 - 130 triệu đồng/chuyến biển, giờ tăng lên từ 150 - 200 triệu đồng. Có khi tui chỉ đi 15 ngày phải cho tàu vào bờ do đánh bắt không đạt, chứ nếu ở ngoài biển dài ngày sẽ càng lỗ nặng”.
Việc tìm “bạn” đi biển cũng không đơn giản. Ông Nguyễn Văn Quang, ở xã Hoài Hương (huyện Hoài Nhơn), thuyền trưởng tàu cá BĐ 97274 TS, chia sẻ: “Mỗi chuyến đi biển tàu của tui cần đến 12 - 14 lao động, phải ứng trước tiền thuê bạn 5 triệu đồng/người để họ đi làm cho mình. Chuyến biển nào đánh bắt có thu nhập khá sẽ chia thêm tiền cho bạn, nếu lỗ tổn thì chủ tàu lỗ tiền thuê bạn. Nhiều tàu do liên tiếp lỗ tổn đành phải nằm bờ vì không có bạn. Như tàu của tui đi được 9 chuyến biển, có 3 chuyến trúng khá, chia phần bạn được 15 triệu đồng/người, còn 6 chuyến bị lỗ tổn và đủ tổn, cũng rất khó khăn khi tìm bạn đi biển”.
Ông Phạm Tấn Hương, cán bộ khuyến ngư xã Cát Khánh (huyện Phù Cát), cho hay: “Toàn xã hiện có trên 380 phương tiện khai thác thủy sản, trong đó có gần 200 tàu công suất 90 CV trở lên chuyên đánh bắt xa bờ, số còn lại đánh bắt gần bờ. Gần đây đánh bắt gần bờ không đạt nên nhiều chủ tàu ở địa phương không ra khơi”.
Theo ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Ban quản lý cảng cá Bình Định - phụ trách cảng cá Quy Nhơn, tính đến tháng 11.2018, có 8.976 lượt tàu cá cập cảng, đạt 80,57% kế hoạch năm 2018; hàng hóa thông qua cảng đạt trên 89.000 tấn, đạt 88,94%. Do sản lượng khai thác giảm nên một số tàu đánh bắt xa bờ có khi kéo dài đến 30 ngày/chuyến biển, tiêu hao nhiên liệu tăng, chất lượng sản phẩm giảm, giá sản phẩm bán ra thấp. Thời điểm từ tháng 8 - 9 âm lịch hàng năm là cao điểm mùa đánh bắt xa bờ, nhưng có nhiều tàu nằm bờ tại cảng cá Quy Nhơn vì lỗ tổn, một số chủ tàu khai thác không hiệu quả đã phải bán tàu.
Ông Võ Đình Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), cho biết: Những năm qua, Nhà nước ban hành nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác xa bờ, như: hỗ trợ nhiên liệu; thiết bị thông tin liên lạc; cho vay vốn đóng mới tàu cá công suất lớn; dự báo ngư trường; xây dựng mô hình tổ đội đoàn kết trên biển... Ngành Thủy sản tỉnh cũng đã tích cực tạo điều kiện cho ngư dân tiếp cận với các chính sách của Nhà nước; qua đó giúp bà con yên tâm bám biển.
Tuy nhiên, cũng theo ông Tâm, để phát triển nghề cá bền vững, cần tăng cường đào tạo chuyên môn hóa, ứng dụng KHKT, máy móc, thiết bị, công nghệ khai thác và bảo quản... nhằm đáp ứng yêu cầu khai thác, đánh bắt hiện đại, giảm bớt sức người, góp phần phát triển ngành thủy sản bền vững theo xu hướng hội nhập quốc tế.
NGỌC NHUẬN