Công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại các mỏ đá: Còn chủ quan, lơ là
Khai thác, chế biến đá xây dựng là hoạt động nằm trong danh mục những ngành nghề có tính chất nguy hiểm và độc hại. Thế nhưng, công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động ở loại hình sản xuất này chưa được chủ doanh nghiệp quan tâm, cùng với đó ý thức chủ quan của người lao động cho nên nỗi lo tai nạn lao động có nhiều nguy cơ xảy ra.
Tai nạn rình rập
Trên địa bàn tỉnh có khoảng 25 đơn vị, DN được cấp phép khai thác đá. Tuy nhiên, theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh, số mỏ đá hội đủ các yếu tố, điều kiện bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong khi đó, trong lĩnh vực khai thác khoáng sản thì khai thác đá là lĩnh vực có nguy cơ rủi ro về tai nạn lao động (TNLĐ) cao nhất. Một số mỏ khai thác đá trên địa bàn tỉnh đã có người tử vong do TNLĐ.
Nguy cơ tai nạn lao động luôn rình rập từ hoạt động khai thác mỏ đá ở nhiều DN.
Mới đây, vào ngày 22.8, tại mỏ đá Tường Sơn (xã Cát Tường, huyện Phù Cát) do Công ty TNHH Tân Trung Nam có trụ sở tại Khu công nghiệp Phú Tài khai thác xảy ra một vụ TNLĐ làm một người tử vong. Nạn nhân là ông Đ.V.T (31 tuổi, trú xã Yên Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình). Nguyên nhân dẫn tới tai nạn là do ông T. bị điện giật khi đang cố định đường ray của máy cưa đá bằng các khúc gỗ. Trước đó, vào tháng 4.2018, tại mỏ đá này cũng xảy ra một vụ TNLĐ khác, làm một người tử vong. Nạn nhân là anh N.V.X (25 tuổi, trú thôn Phú Gia, xã Cát Tường, huyện Phù Cát) do bị xe tuột dốc, lật đè.
Theo Phòng Việc làm – ATLĐ (Sở LĐ-TB&XH), ngoài các yếu tố khách quan, nguyên nhân chủ yếu là do các DN khai thác đá chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác bảo đảm ATVSLĐ. Người lao động làm việc tại các mỏ đá chủ yếu làm theo thời vụ, không ổn định, nên chưa được đào tạo bài bản và ý thức chấp hành các quy định về ATLĐ vẫn chưa cao. Đó là chưa kể kỹ thuật và phương pháp khai thác mỏ không đúng cách của các DN cũng là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ mất ATLĐ.
Người lao động sử dụng máy cắt đá, song không có trang thiết bị bảo hộ; do đó, nguy cơ xảy ra tai nạn là rất cao.
Theo tìm hiểu của PV, thay vì khai thác theo phương pháp cắt tầng, tạo vỉa, bạt taluy và bóc lớp đất phủ bì để đảm bảo an toàn thì các DN chọn cách khai thác khoan nhồi nổ mìn vào mái sườn đồi để lấy đá.
Doanh nghiệp thờ ơ
Theo ông Huỳnh Ngọc Hải, Trưởng phòng Phòng Việc làm - ATLĐ (Sở LĐ-TB&XH), các quy định về bảo đảm ATLĐ trong khai thác mỏ rất chặt chẽ, nhưng thực tế các DN không tuân thủ đúng quy định, hoặc chỉ thực hiện được một phần. Hiện đang có một khoảng cách lớn giữa việc cấp phép và quản lý, giám sát hoạt động khai thác. Nhiều mỏ chưa đủ điều kiện về ATLĐ nhưng vẫn được khai thác.
Ông Hải cho biết thêm: Năm 2016, Thanh tra Sở LĐ-TB&XH phối hợp cùng các đơn vị chức năng tiến hành kiểm tra 15 DN sản xuất, chế biến, khai thác đá xây dựng trên địa bàn tỉnh. Năm 2017, trong Tháng hành động về ATVSLĐ, Sở đã tiến hành kiểm tra 7 DN khai thác và chế biến khoáng sản, hóa chất. Qua đó, Đoàn kiểm tra nhận thấy đa phần chủ các DN sử dụng lao động chưa quan tâm đến việc thực hiện pháp luật ATLĐ tại đơn vị. Nhiều DN không thực hiện phân loại lao động theo danh mục công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; chưa cử người làm công tác ATVSLĐ; chưa xây dựng phương án xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp và định kỳ cho người lao động; máy móc, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ chưa được kiểm định; DN chưa quan tâm trang bị đồ bảo hộ lao động cho người lao động… Tất cả những tồn tại được Đoàn kiểm tra phát hiện mới dừng lại ở khâu nhắc nhở, yêu cầu khắc phục.
Ngoài các tồn tại trên, ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh, thông tin thêm, hằng năm, Sở mở từ 4 - 6 lớp tuyên truyền, tập huấn về ATVSLĐ cho các chủ DN khai thác, chế biến khoáng sản, trong đó có hoạt động khai thác đá. Tuy nhiên, có không ít chủ DN không tham gia, hoặc có tham gia nhưng cử không đúng thành phần tham dự, khiến việc tiếp thu thông tin, nắm bắt kỹ năng huấn luyện về ATLĐ để truyền tải cho người lao động không đảm bảo. Do vậy, TNLĐ trong lĩnh vực khai thác, chế biến đá vẫn còn xảy ra, nhất là ở khu vực mỏ.
Thời gian tới, ngoài tập trung thanh tra các DN có ý thức kém về ATVSLĐ, Sở LĐ-TB&XH kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức có sử dụng ngân sách Nhà nước đưa tiêu chí thực hiện thi hành pháp luật về ATLĐ và Luật BHXH là một tiêu chí quan trọng trong hồ sơ dự thầu, mời thầu và quá trình chấm thầu. Đặc biệt, là không cấp quyền sử dụng, khai thác tài nguyên, khoáng sản thuộc tỉnh quản lý cho những tổ chức, cá nhân không thực hiện tốt các quy định của pháp luật lao động nói chung và pháp luật về ATVSLĐ nói riêng.
TRỌNG LỢI - HỒNG PHÚC