Các tỉnh Nam Trung bộ khẩn trương đối phó với bão số 9
Trước diễn biến phức tạp của bão số 9, các địa phương khẩn trương kêu gọi tàu thuyền tìm nơi trú tránh, di dời dân vùng xung yếu đến nơi an toàn
Tại nhà văn hóa thôn Thành Phát và Thành Đạt, xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang, nhiều chuyến xe chở gạo, mì ăn liền, áo quần, nước uống đến cứu trợ người dân vùng vừa bị sạt lở trong đợt mưa ngày 18.11.
Cano du lịch neo đậu tại sông Quán Trường, TP Nha Trang.
Ông Trịnh Kim Oai, Trưởng ban công tác mặt trận thôn Phú Thọ, xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang cho biết, đã có 150 hộ dân tại vùng sạt lở mất nhà cửa được di dời tới các nơi an toàn như trường học, trụ sở Ủy ban xã, bệnh viện.
Tỉnh Khánh Hòa đã cho học sinh nghỉ học từ chiều ngày 23 đến hết ngày 25.11. Địa phương này cũng đang khẩn trương sơ tán 280 ngàn người dân đến nơi an toàn, đưa hơn 8.000 lao động trên các lồng bè lên bờ trú ẩn, hướng dẫn 500 tàu thuyền vào nơi neo đậu an toàn. Sáng nay, Ban Quản lý vịnh Nha Trang không cho các tàu, thuyền xuất bến đưa du khách đi tham quan vịnh và các đảo. Các hoạt động tham quan, vui chơi trên biển, tắm biển đều tạm dừng.
Tàu thuyền tránh bão số 9 tại cảng cá Quy Nhơn - Bình Định.
Ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết: "Chúng tôi đang tích cực chỉ đạo các địa phương thông tin kịp thời cho người dân tình hình diễn biến mưa bão để người dân chủ động trong ứng phó. Ở Khánh Hòa có 910 địa điểm xung yếu cần sơ tán và hơn 9.810 tàu thuyền. Chúng tôi cũng đã tập trung chỉ đạo các địa phương theo dõi diễn biến và căn cứ phương án của tỉnh, huyện, xã để quyết liệt di dời dân ra khỏi khu vực xung yếu, người nào không đi thì kiên quyết cưỡng chế di dời, sơ tán."
Hiện, UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu Ban quản lý các dự án Đầu tư xây dựng tỉnh có phương án đảm bảo an toàn các công trình đang thi công; Chỉ đạo các địa phương, đơn vị quan tâm bảo vệ dân tại các khu vực xung yếu dễ bị ngập lụt, sạt lở, triều cường.
Ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết: "Việc đầu tiên là chỉ đạo điều tiết xả lũ trước đối với các hồ trên địa bàn. Đối với những địa phương dọc theo sông suối, những nơi thường xuyên ngập và sạt lở thì chỉ đạo di dời cho kịp thời. Về mặt thông tin, chúng tôi ứng trực và nhắn tin thường xuyên, liên tục để cảnh báo tình hình lượng nước, lượng mưa và lượng xả lũ, đảm bảo cho người dân nắm tình hình để di chuyển."
Tỉnh Bình Định kêu gọi tàu thuyền vào bờ tránh bão.
Sáng nay, tỉnh Bình Định kêu gọi tàu thuyền vào bờ hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm tránh bão. Địa phương đã liên lạc và hướng dẫn 4.200 phương tiện với 26.500 ngư dân hoạt động trên biển vào bờ hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Ông Phan Xuân Hải, Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định cho biết, lượng mưa trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay chỉ đạt 47%, nên các hồ chứa tích được ít nước, mới đạt 31% dung tích thiết kế.
Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu các ngành, chính quyền và người dân địa phương không được chủ quan lơ là trong công tác phòng chống bão số 9.
"Hiện nay, tỉnh đang tập trung theo dõi tàu thuyền, cơ bản tàu thuyền vào nơi tránh trú hết rồi, còn một số tàu phía ngoài vào các đảo tránh trú, hiện đang theo dõi kêu gọi. Hồ chứa dung tích mới đạt trên 30%, rất thấp. Dự báo của Khí tượng thuỷ văn có khả năng mưa từ 300mm đến 400mm, có thể có ngập cục bộ tại các hồ chứa nhỏ, hiện nay đang theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa bão", ông Hải nói./.
Theo VOV