Khánh Hòa ưu tiên đề tài nghiên cứu phát triển kinh tế biển
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có quyết định điều chỉnh, bổ sung chương trình khoa học và công nghệ triển khai trong giai đoạn 2018-2020, theo hướng tăng cường các đề tài, công trình nghiên cứu đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế biển và xã hội vùng ven biển, đảo.
Mô hình nuôi tôm hùm tại đảo Trí Nguyên, TP. Nha Trang
Trong đó, công trình mang tính khái quát cao là “Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội biển đảo Khánh Hòa đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030”, nhằm đánh giá tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh về biển đảo Khánh Hòa với các tỉnh, thành ở duyên hải Nam Trung Bộ và một số tỉnh tương đồng. Thông qua việc thực hiện đề tài cũng nhằm định hướng, đề ra các giải pháp phát triển kinh tế, xã hội bền vững khu vực ven biển, biển đảo của Khánh Hòa đến năm 2030.
Bên cạnh đó còn có một đề tài khác không kém phần quan trọng là “Điều tra, đánh giá xác định nguyên nhân và đề xuất các giải pháp nhằm ổn định các cửa sông và vùng bờ ven biển tỉnh Khánh Hòa”, từ đó đề xuất các giải pháp giảm nhẹ các tác động của quá trình xói lở, bồi tụ, ổn định vùng cửa sông, ven biển tỉnh Khánh Hòa, phục vụ phát triển bền vững kinh tế-xã hội.
Trong chương trình khoa học và công nghệ năm 2020, tỉnh Khánh Hòa đề xuất sẽ tuyển chọn cơ quan nghiên cứu thực hiện đề tài "Dự báo xu thế biến đổi các quá trình hải dương học tại vùng biển ven bờ Khánh Hòa nhằm phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển".
Ngoài ra, tỉnh còn đề xuất thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu phục vụ phát nghề nuôi trồng thủy hải sản, như: Nghiên cứu quy trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá bè vẩu; nghiên cứu quy trình nuôi thương phẩm tôm hùm xanh; xây dựng mô hình nuôi kết hợp các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao giữa cá chim, cua xanh và tôm sú hoặc giữa cá hồng Mỹ, ốc nhảy và tôm thẻ.
Đối với ngành khai thác hải sản, một đề tài mang tính ứng dụng cao đã được đưa vào danh sách thực hiện, đó là nghiên cứu cải tiến công nghệ khai thác hải sản bằng nghề lưới chụp cho đội tàu xa bờ tỉnh Khánh Hòa.
Để phục vụ phát triển ngành du lịch, tỉnh Khánh Hòa đưa ra một số đề tài nghiên cứu, như: Mô hình doanh nghiệp thực hiện bảo tồn, phục hồi và sử dụng hợp lý tài nguyên sinh vật biển phục vụ du lịch sinh thái ở Khánh Hòa, đồng thời đề xuất các giải pháp và định hướng mở rộng mô hình nhằm nhân rộng trong thực tế...
Trong giai đoạn 2016-2018, các nhà khoa học, cơ quan nghiên cứu tại tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện thành công nhiều công trình nghiên cứu, đề tài khoa học và công nghệ liên quan đến biển đảo như: Xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo và thử nghiệm nuôi thương phẩm móng tay dày; đánh giá kết quả công tác quản lý, khai thác và bảo vệ nguồn lợi rong mơ trên địa bàn thành phố Nha Trang; bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của cư dân vùng biển đảo ở thành phố Cam Ranh...
Theo TTXVN/Chinhphu.vn