Ứng dụng phần mềm dạy học tiếng Anh mới: Hỗ trợ tích cực cả thầy và trò
Theo các chuyên gia, việc ứng dụng hiệu quả các phần mềm, giải pháp dạy và học tiếng Anh sẽ giúp giáo viên tháo gỡ nhiều khó khăn hiện tại, giúp học sinh hào hứng và tiếp thu bài học hiệu quả hơn.
Ông Trần Văn Cơ giới thiệu các phần mềm dạy học tiếng Anh mới tại buổi tập huấn.
Nhằm nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh, đáp ứng tốt hơn yêu cầu Đề án Ngoại ngữ quốc gia trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh, trong hai ngày 15 và 16.11, Sở GD&ĐT đã tổ chức tập huấn các phần mềm dạy học tiếng Anh mới. Hơn 100 chuyên viên, giáo viên cốt cán môn Tiếng Anh của các trường THPT và phòng GD&ĐT đã dự lớp tập huấn.
Tỏ ra rất tâm đắc với phần mềm dạy từ mới cho học sinh tiểu học, cô giáo Trần Nguyễn Thiên Hương (Trường Tiểu học Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn) cho biết: “Với các phần mềm này, giáo viên tiểu học chúng tôi chỉ cần từ 5 - 10 phút là tìm được bộ từ vựng theo chủ đề như ý muốn để dạy học sinh. Tiện ích nhất là phần mềm này còn cung cấp cả nghĩa của từ, cách đọc và hình ảnh minh họa sinh động của từ vựng đó”.
Ở cấp THCS, phần mềm đọc và viết tiếng Anh giúp các thầy cô nâng cao chất lượng những tiết dạy nghe - vốn là một trong những khó khăn lâu nay. Thầy giáo Phan Văn Thoan (Trường THCS Tây Phú, huyện Tây Sơn) chia sẻ: “Khi sử dụng phần mềm này, giáo viên viết ra chữ tiếng Anh nào thì phần mềm sẽ đọc luôn chữ đó mà không cần phải dùng đến file âm thanh; ngược lại, giáo viên cho học sinh nghe xong một bài nghe, chỉ cần nhấp vô phần mềm thì toàn bộ bài nghe sẽ được chuyển thành văn bản, cô và trò cùng kiểm tra lại”.
Nhiều giáo viên cấp THPT tỏ ra tâm đắc với các phần mềm hiệu chỉnh, cắt dán, ghi âm tập tin âm thanh, hình ảnh; theo đó họ có thể chủ động tạo ra các đoạn âm thanh hoặc hình ảnh để phục vụ cho các tiết dạy cụ thể trên lớp.
Một trong những phần mềm được giáo viên cả 3 cấp học đánh giá cao là phần mềm tạo bài tập về nhà cho học sinh. Theo đó, giáo viên sẽ soạn bài tập và tải lên internet, rồi cấp mã số cho học sinh về mở ra làm. Phần mềm sẽ tự chấm điểm phần bài làm của học sinh, trong đó giải thích rõ từng lỗi sai. Giáo viên có thể theo dõi bảng tổng hợp kết quả làm bài của học sinh ngay khi các em làm bài và trong tiết học hôm sau sẽ lưu ý những lỗi cần lưu ý. Ông Phạm Mạnh Cường, Phó Hiệu trưởng Trường THPT số 1 Phù Mỹ, trao đổi: “Cách làm này giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian sửa bài trên lớp, thay vào đó giáo viên sẽ dành thời gian soạn bài tập cho học sinh”.
Theo ông Trần Văn Cơ, Trưởng Phòng Giáo dục trung học (Sở GD&ĐT), so với các môn học khác, nguồn tư liệu của môn Tiếng Anh có khá nhiều trên internet và những phần mềm Sở GD&ĐT giới thiệu với giáo viên hoàn toàn miễn phí, dễ sử dụng và được Sở chọn lọc kỹ lưỡng để phù hợp khi triển khai trong điều kiện dạy học thực tế tại các nhà trường.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), trước khi diễn ra đợt tập huấn, các trường đã được trang bị nhiều máy chiếu, ti vi màn hình lớn, máy vi tính xách tay. Vậy nên, theo đánh giá của ông Cơ, việc triển khai các phần mềm mới hoàn toàn thuận lợi. Vấn đề còn lại là trách nhiệm của giáo viên.
Ông Trần Văn Cơ cho rằng: Để có thể ứng dụng được nhiều phần mềm nhất, giáo viên phải chịu khó học hỏi và nâng cao trình độ CNTT của mình. Những năm gần đây, Sở đã buộc giáo viên tiếng Anh phải thành thạo các thao tác ứng dụng CNTT cơ bản. Tuy nhiên trên thực tế vẫn còn khá nhiều giáo viên chưa tích cực học tập. Sắp tới, chúng tôi sẽ tổ chức thanh, kiểm tra các đơn vị, yêu cầu các phòng GD&ĐT giám sát chặt chẽ, đảm bảo toàn bộ giáo viên dạy tiếng Anh sử dụng thành thạo các phần mềm này.
NGỌC TÚ