Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” ở Hoài Nhơn
Nhằm nâng cao đời sống cho người dân ở khu vực nông thôn, huyện Hoài Nhơn đã đẩy mạnh thực hiện Chương trình quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm”, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển KT- XH, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Sản phẩm cá ngừ đại dương của ngư dân Hoài Nhơn. Ảnh: N.NHUẬN
Phát triển các sản phẩm chủ lực
Theo UBND huyện Hoài Nhơn, toàn huyện có 22 sản phẩm chủ lực thuộc 2 nhóm sản phẩm, gồm: thực phẩm (20 loại); lưu niệm, nội thất, trang trí (2 loại). Nhóm thực phẩm có nhiều sản phẩm phát triển ổn định, có thương hiệu trên thị trường, như: Cá ngừ đại dương, nước mắm, bánh tráng nước dừa, dầu dừa tinh khiết, dầu phụng tinh khiết, tôm thẻ chân trắng… Nhóm lưu niệm, nội thất, trang trí có sản phẩm chiếu cói, đồ mỹ nghệ cẩn xà cừ.
Với sự đa dạng của các sản phẩm, Hoài Nhơn có nhiều tiềm năng để phát triển Chương trình quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm” (viết tắt là chương trình OCOP). Ông Trần Đình Tổng, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Nhơn, cho biết: Thực hiện hướng dẫn của Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh về việc triển khai chương trình OCOP, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Kinh tế phối hợp UBND các xã, thị trấn khảo sát, rà soát, đánh giá thực trạng trình độ công nghệ, vốn, lao động của các cơ sở, tổ chức, hộ gia đình sản xuất kinh doanh các sản phẩm. Qua đánh giá cho thấy, hầu hết các sản phẩm đều phát triển ổn định, tạo thu nhập, giải quyết việc làm cho người dân nông thôn. Trong đó, có nhiều sản phẩm đã được chứng nhận nhãn hiệu, thị trường tiêu thụ trên cả nước.
Một trong những sản phẩm có thương hiệu, được người tiêu dùng ưa chuộng là dầu dừa tinh khiết và bánh tráng nước dừa của HTXNN Ngọc An (xã Hoài Thanh Tây). Ông Nguyễn Ngọc Nghiệp, Giám đốc HTXNN Ngọc An cho hay: “Sản phẩm dầu dừa tinh khiết sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm được chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế HACCP về hệ thống quản lý chất lượng, được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2017. Hiện tại, HTX sản xuất, tiêu thụ trên 3.000 lít dầu dừa/tháng, 2.000 cái bánh tráng nước dừa/ngày, doanh thu từ 2 sản phẩm khoảng 3,2 tỉ đồng/năm”.
Còn theo ông Trương Quang Minh, Chủ tịch UBND xã Tam Quan Bắc: “Xã có 80% dân số làm nghề biển và các dịch vụ hậu cần nghề cá. Nghề khai thác cá ngừ đại dương và chế biến nước mắm phát triển mạnh ở địa phương; sản phẩm cá ngừ đại dương được tỉnh tập trung hỗ trợ, phát triển nhằm đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho ngư dân; sản phẩm nước mắm được hỗ trợ bao bì, nhãn mác tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Nhóm sản phẩm này được huyện ưu tiên phát triển giai đoạn 2018-2020”.
Xây dựng nhãn hiệu
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế, việc phát triển các sản phẩm chủ lực của Hoài Nhơn còn gặp nhiều khó khăn, nguyên nhân là quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, chủ yếu là hộ gia đình; chưa hình thành chuỗi sản xuất, bao tiêu sản phẩm để nâng cao giá trị…
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân, đẩy nhanh tiến độ thực hiện xây dựng nông thôn mới của huyện, ông Trần Đình Tổng cho biết thêm: Năm 2018, huyện đã xây dựng nhãn hiệu các sản phẩm: Chuối mốc Hoài Sơn, trứng vịt lộn Hoài Mỹ, chiếu cói Hoài Nhơn và đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Năm 2019, huyện tiếp tục đăng ký chứng nhận 6 nhãn hiệu tập thể: Bưởi da xanh Hoài Nhơn, đồ gỗ mỹ nghệ cẩn xà cừ Hoài Nhơn, yến sào Hoài Nhơn, dầu phụng Hoài Nhơn, dừa Hoài Nhơn, bánh dây Bồng Sơn, nhằm phát triển các sản phẩm có lợi thế theo hướng gia tăng giá trị.
Bên cạnh đó, huyện tiếp tục hỗ trợ các cơ sở sản xuất, làng nghề truyền thống về cơ sở hạ tầng, thiết bị sản xuất, xúc tiến thương mại, cải tiến mẫu mã; quy hoạch các vùng sản xuất tập trung; chú trọng công tác bảo vệ môi trường… nhằm đẩy mạnh thực hiện Chương trình OCOP gắn với phát triển du lịch của Hoài Nhơn.
NGỌC NHUẬN