Vở diễn khắc họa Nữ tướng Bùi Thị Xuân
Ðầu tháng 11.2018, Ðoàn Ca kịch bài chòi Bình Ðịnh khởi dựng vở mới: “Chói rạng sơn hà”. Tác giả kịch bản: Nguyễn Sỹ Chức, đạo diễn: NSND Hoài Huệ. Ðây là vở diễn khắc họa hình tượng một nhân vật lịch sử nhà Tây Sơn: Nữ tướng Bùi Thị Xuân.
Nghệ sĩ Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định đang luyện tập vở diễn.
Theo nhiều sử liệu, Bùi Thị Xuân là một trong Tây Sơn ngũ phụng thư, vợ Thái phó Trần Quang Diệu và là Đô đốc của vương triều Tây Sơn. Với tài kiếm thuật, bắn cung, cưỡi ngựa, luyện voi vượt trội cùng với lòng dũng cảm, bà cùng chồng trở thành những tướng lĩnh trụ cột, góp công lớn trong xây dựng sự nghiệp nhà Tây Sơn ngay từ buổi đầu.
Bối cảnh vở “Chói rạng sơn hà” bắt đầu từ năm 1798, tròn 6 năm sau khi Hoàng đế Quang Trung băng hà, Hoàng đế Cảnh Thịnh nối ngôi khi vừa 15 tuổi. Đây là lúc đại nghiệp nhà Tây Sơn rơi vào trong bão tố. Nội bộ nhà Tây Sơn lục đục, bọn gian thần nhân khi vua còn nhỏ, câu kết nắm quyền làm loạn. Dù Đại tư đồ Võ Văn Dũng đã giết Thái sư Bùi Đắc Tuyên (ỷ thế có em gái là Bùi Thị Nhạn, là hoàng hậu Vua Quang Trung nên lộng quyền) nhưng nội bộ Tây Sơn trượt dài trong rối ren. Dẫu ở trong chiến trường đẫm máu hay xích xiềng tù ngục, Đô đốc Bùi Thị Xuân cùng những vị anh hùng như Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng… vẫn một lòng kiên trung đến phút cuối.
Ở vở diễn, chúng tôi áp dụng các thủ pháp truyền thống kết hợp với các xử lý hiện đại nhằm tạo nên vở ca kịch lịch sử bi tráng, đậm tính sử thi và hào khí dân tộc. Thông qua câu chuyện lịch sử, những nhân vật lịch sử như nữ tướng Bùi Thị Xuân, Ðại tư đồ Võ Văn Dũng, Thái phó Trần Quang Diệu… câu chuyện không chỉ ca ngợi người xưa mà còn hướng đến nói với những người hiện đại về tấm lòng kiên trung, ngay thẳng, yêu thương.
Dự kiến ngày 15.12 vở diễn sẽ hoàn thành và báo cáo tổng duyệt. Ðoàn Ca kịch bài chòi Bình Ðịnh sẽ chọn vở “Chói rạng sơn hà” tham gia Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc tại Thanh Hóa do Bộ VH-TT&DL tổ chức vào tháng 4.2019.
NSND HOÀI HUỆ
Vở diễn kéo dài trong 6 cảnh. Câu chuyện kịch trải rộng trong những không gian như Thành Hoàng Đế, Thành Quảng Nam, nối dài đến Thành Phú Xuân, Thành Thăng Long đến lũy Trấn Ninh. Chuyện bắt đầu từ lúc Võ Văn Dũng giết Bùi Đắc Tuyên, Bùi Thị Xuân ở dinh tổng trấn Quảng Nam, Bùi Thị Xuân nhận lệnh triệu hồi về Thăng Long đến khi bà bị quân Nguyễn Ánh bắt giam và xử hình. Ở từng cảnh, từng hành động, suy nghĩ của Bùi Thị Xuân đều cho thấy bà là một bậc đại tướng. Chính vì thế, bà hiên ngang đối chấp với Nguyễn Ánh… và thà chết chứ không để tùy tướng vì mình mà hy sinh.
Không chỉ vậy, ở “Chói rạng sơn hà”, Bùi Thị Xuân còn là một người mẹ, người vợ với nỗi đau xót gia đình chia lìa. Ở cảnh năm, lúc Bùi Thị Xuân trong xiềng xích nhớ tiếng con gái gọi mẹ mà khóc thương: “Như búp lá trên cành/ Như hoa xuân chớm nụ/ Sáng chịu cảnh gió giông, bão tố/ Chiều xót xa nắng lửa đốt thiêu”. Rồi cảnh vợ chồng Trần Quang Diệu - Bùi Thị Xuân trùng phùng trong tù ngục, trong hăm dọa, khuyến dụ dù phẫn uất, đau đớn nhưng vẫn một lòng hướng về Tây Sơn, bất chấp cả việc Nguyễn Ánh đem sinh mạng con gái của họ là Ngọc Mai ra uy hiếp khuyến dụ.
Xuyên suốt câu chuyện, sau từng lớp một kịch được đẩy lên cao trào, lôi cuốn. Câu nói “Có người mẹ nào không thuộc từng tiếng cười, tiếng khóc, từng dáng đi nước bước của con mình/ Nhưng những người mẹ còn phải thuộc cả tiếng núi sông, đang rên xiết dưới vòng tai họa” của Bùi Thị Xuân đi vào lòng người nỗi đồng cảm, khâm phục đến xót xa. Và rồi, vị nữ tướng oanh liệt bị voi dày, vở diễn kết thúc nhưng âm vang sử thi của vỡ diễn vẫn cứ ngân vang. “Sống Tây Sơn, thác nguyện Tây Sơn/ Trung hiếu đáp đền ơn trí ngộ/ Ngàn thu vẹn nghĩa với non sông”!
THẢO KHUY