Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu
Tình trạng vi phạm các quy định trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu vẫn còn xảy ra. Vì vậy các ngành chức năng đã tăng cường công tác quản lý, từng bước ổn định thị trường xăng dầu trên địa bàn tỉnh.
Nhiều vi phạm
Từ đầu năm đến nay, Sở KH&CN đã tiến hành các đợt thanh tra chuyên ngành về các quy định pháp luật tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng tại các cơ sở, DN kinh doanh xăng dầu (KDXD) trên địa bàn tỉnh. Qua đó, phát hiện 11 cơ sở, DN vi phạm về đo lường, xử phạt hơn 190 triệu đồng.
Hoạt động kinh doanh xăng dầu tại Cửa hàng xăng dầu số 1 - Petrolimex Bình Định trên địa bàn TP Quy Nhơn.
Ông Phan Ngọc Anh, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn, đo lường chất lượng (Sở KH&CN), cho biết: “Bên cạnh việc phối hợp với Thanh tra Sở KH&CN kiểm tra, xử lý vi phạm về đo lường, Chi cục cũng đã lấy mẫu xăng E5 RON 92 và dầu DO 0,05S tại các cơ sở, DN KDXD trên địa bàn để kiểm tra chất lượng”.
Cũng từ đầu năm đến nay, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 92 cơ sở, DN KDXD. Kết quả kiểm tra, có 2 cơ sở vi phạm về mua bán xăng dầu ngoài hệ thống phân phối, vận chuyển, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; phạt hành chính 141 triệu đồng; tịch thu 13.000 lít xăng không rõ nguồn gốc. Bên cạnh đó, lực lượng quản lý thị trường cũng đã vận động 43 tổ chức, cá nhân ký cam kết thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về KDXD.
Theo ông Bùi Chánh Khiêm, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Xăng dầu Bình Định (Petrolimex Bình Định), Công ty hiện có 38 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh, bình quân mỗi tháng cung ứng cho thị trường trong tỉnh khoảng từ 10.500 m3 - 13.000 m3 xăng dầu các loại. Ngoài ra, Petrolimex Bình Định là đầu mối cung ứng xăng dầu cho các tỉnh Bình Định, Gia Lai, Kon Tum và một phần phía Bắc tỉnh Phú Yên.
Cũng theo ông Khiêm, hiện trên địa bàn tỉnh có rất nhiều thương nhân phân phối xăng dầu, nhận hàng từ các đầu mối cung ứng khác nhau nên nguồn gốc, chất lượng, giá bán hàng hóa chưa được rõ ràng. Vì vậy, các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường kiểm soát nhằm đảm bảo công bằng trong hoạt động thương mại, góp phần đảm bảo quản lý chất lượng xăng dầu trên thị trường.
Siết chặt quản lý
Theo ông Phan Ngọc Anh, thời gian tới, Chi cục Tiêu chuẩn, đo lường chất lượng tiếp tục phối hợp Thanh tra Sở KH&CN và các ngành liên quan thực hiện thanh tra về tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng các cơ sở, DN KDXD. Đồng thời, đề nghị Tổng cục Tiêu chuẩn, đo lường chất lượng (Bộ KH&CN) thường xuyên cập nhật các phương thức sử dụng công nghệ cao để gian lận về đo lường, chất lượng trong KDXD để tập huấn nghiệp vụ, nâng cao năng lực cho lực lượng thực thi công tác thanh tra chuyên ngành lĩnh vực KDXD của Sở KH&CN.
Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (thuộc Tổng cục Quản lý thị trường), ông Trần Đức Tiến, cho biết thêm: “Xăng dầu là một trong những mặt hàng trọng điểm được Cục Quản lý thị trường thực hiện kiểm tra thường xuyên. Chúng tôi đã chỉ đạo các đội quản lý thị trường nắm tình hình, quản lý địa bàn để thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong hoạt động KDXD nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho các tổ chức, cá nhân hoạt động KDXD. Cục Quản lý thị trường cũng sẽ xin ý kiến cấp trên để phối hợp các ngành liên quan thực hiện chuyên đề về kiểm tra KDXD vào năm 2019”.
Theo Sở Công Thương, toàn tỉnh hiện có 271 cửa hàng xăng dầu của 155 cơ sở, DN KDXD được cấp phép hoạt động; trong đó, có 1 DN đầu mối cung cấp xăng dầu, 4 DN phân phối xăng dầu. Sở Công Thương đã tăng cường công tác quản lý về giá cả, giấy phép hoạt động KDXD… của các DN đầu mối, DN phân phối xăng dầu, đảm bảo việc cung ứng xăng dầu được ổn định, đáp ứng nhu cầu xăng dầu trên địa bàn tỉnh.
NGỌC NHUẬN