Cần giới hạn việc giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng
Trên thực tế quá trình triển khai, tổ chức thực hiện các dự án ở Hoài Nhơn, một số đảng viên (ĐV) thiếu tính tiền phong, gương mẫu trong việc hiến cây, hiến đất, hiến tài sản… mở đường giao thông theo chương trình xây dựng nông thôn mới; làm chậm tiến độ giải phóng mặt bằng dẫn đến bị kỷ luật, có trường hợp phát sinh khiếu nại kỷ luật đảng (KLĐ). Tuy nhiên, qua quá trình xem xét, thi hành kỷ luật và giải quyết khiếu nại KLĐ đã nảy sinh nhiều vướng mắc, bất cập; nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau.
Thứ nhất, qua thực tiễn xử lý một số trường hợp, cho thấy tuy cùng một nội dung vi phạm nhưng các căn cứ được viện dẫn để quyết định xử lý kỷ luật đối với ĐV vi phạm của các cấp ủy, tổ chức đảng hầu như chưa có sự thống nhất. Có trường hợp vi phạm, đảng ủy nọ đã áp dụng Quy định 76-QĐ/TW về ĐV giữ mối liên hệ với cấp ủy nơi cư trú; UBKT Huyện ủy giải quyết khiếu nại, đã căn cứ Quy định 47-QĐ/TW về những điều ĐV không được làm và Quy định 181-QĐ/TW; Ban Thường vụ Huyện ủy thì chỉ căn cứ vào Quy định 181-QĐ/TW về xử lý kỷ luật ĐV vi phạm để chuẩn y…
Thứ hai, về căn cứ để áp dụng tình tiết tăng nặng, các cấp ủy, tổ chức đảng căn cứ điểm b, Khoản 2 Điều 4 Quy định 102-QĐ/TW “không thấy khuyết điểm mà quanh co chối lỗi”. Có ý kiến cho rằng, việc ĐV chấp nhận hay không chấp nhận hiến cây, hiến đất, hiến tài sản là quyền như một công dân khác. Có trường hợp ban đầu chấp nhận hiến nhưng sau đó lại thay đổi ý định và gửi đơn đến nhiều nơi xuất phát từ quan điểm, nhận thức của cá nhân về phương án bồi thường; trình bày quan điểm, ý kiến của mình là quyền của ĐV chứ không phải là hành vi cố tình “không thấy khuyết điểm, vi phạm của mình mà quanh co, che giấu”. Như vậy, tuy một hành vi nhưng có quan điểm, cách nhìn khác nhau.
Thứ ba, vẫn chưa có quy định về giới hạn trong giải quyết khiếu nại KLĐ. Có trường hợp bị kỷ luật và liên tiếp khiếu nại kỷ luật oan nhưng trong quá trình giải quyết khiếu nại, có cấp ủy, tổ chức đảng tăng mức kỷ luật; có cấp ủy, tổ chức đảng lại hạ mức kỷ luật.
Theo chúng tôi, việc giải quyết khiếu nại KLĐ cần có quy định giới hạn về phạm vi giải quyết. Theo đó, trường hợp ĐV khiếu nại kỷ luật mức hình thức kỷ luật (nặng) thì cấp có thẩm quyền chỉ xem xét, kết luận nặng hay không nặng để giảm nhẹ hay chuẩn y; nếu trường hợp ĐV khiếu nại kỷ luật oan thì giới hạn chỉ được xem xét, kết luận oan hay không oan. Có quy định và tổ chức thực hiện việc giới hạn này sẽ khắc phục được tình trạng ĐV khiếu nại kỷ luật oan nhưng tổ chức đảng có thẩm quyền lại giải quyết theo hướng khiếu nại về hình thức (nặng hay nhẹ).
Từ thực tiễn nêu trên, đã đến lúc chúng ta cần phải kiến nghị Trung ương tiến hành tổng kết, đánh giá; đề ra các giải pháp hoàn thiện các quy định về công tác kiểm tra, giám sát nói chung, về xử lý kỷ luật ĐV và giải quyết khiếu nại kỷ luật nói riêng nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập; đảm bảo tính thống nhất trong việc áp dụng căn cứ xử lý kỷ luật và giải quyết khiếu nại KLĐ.
Phạm Dân