Phát triển nghề trồng nấm
Thời gian qua, nghề trồng nấm phát triển mạnh tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, mang lại hiệu quả kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động nông thôn.
Nấm ăn là loại sản phẩm sạch, giàu dinh dưỡng, một số loại nấm còn chứa các thành phần dược liệu. Nhiều địa phương trong tỉnh phát triển mạnh nghề trồng nấm ăn, nấm dược liệu, chủ yếu là nấm sò, nấm rơm, nấm linh chi. Theo bà Phạm Nguyễn Thị Thu Trang, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN (Sở KH&CN), thời gian qua, Trung tâm thường xuyên hỗ trợ quy trình trồng nấm, sản xuất bịch phôi giống nấm các loại để cung cấp cho nông dân; đồng thời thu mua sản phẩm nấm linh chi.
Trại nấm của ông Đỗ Đình Hòa ở xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn).
Ông Nguyễn Xuân Phú, một hộ trồng nấm sò xám ở phường Bùi Thị Xuân (TP Quy Nhơn), cho biết: Tôi mua 1.000 bịch phôi tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN về trồng, nấm phát triển tốt, mỗi tháng thu hoạch 50 - 60 kg nấm thương phẩm, bán với giá 30.000 - 35.000 đồng/kg, thu nhập vài triệu đồng/tháng. Khoảng 1 tháng tôi lại mua bịch phôi mới, còn bịch phôi cũ tận dụng làm phân bón cho cây trồng”.
Bà Nguyễn Thị Nhớ, ở phường Nhơn Phú (TP Quy Nhơn), cho hay: “Gia đình tôi trồng 3.000 bịch phôi, có ngày thu được từ 15 - 20 kg nấm, cũng có ngày chỉ 8 -10 kg, tùy thời tiết râm mát hay nắng nóng. Nghề trồng nấm dễ học, dễ làm, cho thu nhập ổn định nên nhiều người chọn làm để phát triển kinh tế gia đình”.
Ông Đỗ Đình Hòa, ở xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn) chuyên sản xuất meo giống nấm sò, nấm rơm, nấm mèo và nấm sò thương phẩm, chia sẻ: “Nghề trồng nấm chú trọng nhất ở khâu chọn giống và khử trùng phôi giống vì nó quyết định năng suất, chất lượng sản phẩm. Nếu làm tốt quy trình trồng, phòng trừ dịch bệnh sẽ cho sản lượng cao”.
Tuy nghề trồng nấm trong tỉnh phát triển mạnh, song quy mô còn nhỏ lẻ, chưa có vùng sản xuất chuyên canh, chưa liên kết với DN để bao tiêu sản phẩm, mà chủ yếu do người dân tự tìm kiếm thị trường tiêu thụ nên giá cả không ổn định. Theo ông Hoàng Xuân Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT): Chi cục đã mở nhiều lớp đào tạo nghề trồng và nhân giống nấm cho lao động nông thôn; riêng năm 2018 đã mở 7 lớp với gần 200 học viên. Chi cục sẽ hỗ trợ thành lập tổ hợp tác, HTX tại các vùng có điều kiện phát triển mạnh nghề trồng nấm để giúp nông dân liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Còn theo bà Phạm Nguyễn Thị Thu Trang, sau khi Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN sản xuất và chế biến nấm ăn, nấm dược liệu quy mô công nghiệp tại tỉnh Bình Định” kết thúc vào năm 2016, hàng năm, từ nguồn vốn sự nghiệp KH&CN, Trung tâm tiếp tục nhân rộng mô hình, chuyển giao kỹ thuật trồng nấm tại các địa phương trong tỉnh.
Trung tâm cũng đang sản xuất thử nghiệm, hoàn thiện điều kiện nuôi trồng nấm trà tân lấy giống từ Viện Di truyền nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) để chuyển giao cho người trồng. Đây là giống nấm mới, có hàm lượng dược liệu, thị trường chưa biết tới, điều kiện chăm sóc khó, nếu nhân rộng thành công sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao.
ĐOAN NGỌC
Xin chào ! tôi muốn tham ga lớp học trồng nấm thì làm như thế nào? hoặc nhờ qúi ( Báo, Đài ) cho xin địa chỉ của hộ nong dân đang có mô hình trồng nấm để tiện tới tham khảo. Xin cảm ơn !
Em muốn tham gia lớp học trồng nấm thì phải làm sao? Cho em biết chi phí tham gia?