Kết nối mạng các cơ sở kinh doanh thuốc: Góp phần kiểm soát bán thuốc theo đơn
Tình trạng vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh đang lan rộng, khiến gia tăng chi phí và thời gian điều trị, ảnh hưởng sức khỏe người bệnh, cộng đồng. Do đó, việc kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn đang được đặc biệt quan tâm.
Nhân viên nhà thuốc Mát Tay nhập đơn thuốc vào hệ thống trước khi xuất bán cho khách hàng.
Để xảy ra hệ lụy này trước tiên là do trong nhiều năm liền, các cơ quan chức năng buông lỏng quản lý việc bán lẻ tân dược, để tràn lan tình trạng bán thuốc mà không có đơn. Thứ đến là do chủ cơ sở bán lẻ thuốc muốn thu hút khách hàng. Điều này cho thấy, trong nhận thức của từ người dân đến chủ cơ sở bán lẻ thuốc, thậm chí cả cơ quan có chức năng liên quan trong vấn đề này còn rất nhiều hạn chế.
Ngày 10.9, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3055/QĐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch triển khai Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2018 - 2020 tại tỉnh Bình Định. Việc triển khai Đề án nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và nâng cao trách nhiệm của cán bộ y tế, đặc biệt là người kê đơn thuốc, người bán lẻ thuốc trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về kê đơn thuốc, bán thuốc theo đơn, trọng tâm là thuốc kháng sinh, góp phần giảm tình trạng kháng kháng sinh, lạm dụng thuốc, sử dụng thuốc không hợp lý.
Mục tiêu của Đề án đến năm 2020 gồm: Tăng tỉ lệ tuân thủ việc thực hiện đúng quy định của pháp luật về kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú; đạt 100% kê đơn thuốc đủ nội dung theo quy định của Bộ Y tế về kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú đối với cơ sở khám, chữa bệnh công lập, bệnh viện ngoài công lập và đạt 80% đối với các cơ sở khám, chữa bệnh ngoài công lập khác; tăng tỉ lệ thực hiện bán thuốc kháng sinh phải có đơn thuốc, đạt 100% bán thuốc kháng sinh phải có đơn thuốc tại quầy thuốc, nhà thuốc.
Ngay trong tháng 10.2018, Sở Y tế đã tổ chức tập huấn, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối mạng các cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn tỉnh. Hệ thống quản lý dược quốc gia sẽ cung cấp giải pháp, công cụ quản lý, quản trị cho các đơn vị tham gia chuỗi cung ứng, giảm thiểu thủ tục giấy tờ; kiểm soát được thuốc kém chất lượng, thuốc nhái, thuốc không có xuất xứ; kiểm soát tình trạng bán thuốc không có hóa đơn, không theo đơn; kiểm soát giá thuốc, số lượng thuốc. Trong khi đó, hệ thống quản lý nhà thuốc đem lại nhiều tiện ích cho các nhà thuốc, giúp quản lý hoạt động bán hàng, quản lý kho; quản lý danh mục cung cấp, khách hàng, hàng hóa…
"Phần mềm hiện tại chưa theo dõi được việc kê đơn từ các phòng mạch hoặc bệnh viện".
Những tiện ích của phần mềm quản lý đã được các nhà thuốc ghi nhận, sau khi cài đặt và sử dụng. Ông Nguyễn Hoàng Phương, Quản lý hệ thống nhà thuốc Mát Tay tại TP Quy Nhơn, cho biết: “Khi đưa vào sử dụng hệ thống, tôi có thể dễ dàng nắm bắt được số hàng bán ra mỗi ngày, theo dõi được hạn sử dụng của từng loại thuốc, có cái nhìn tổng quát hơn về hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, đây cũng là công cụ tốt để quản lý nhà thuốc mà tôi không cần phải có mặt thường xuyên, giúp chúng tôi dự trù nguồn hàng tốt hơn”.
Ông Châu Văn Sơn, Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược (Sở Y tế), cho biết: Tính đến nay đã có 99/165 nhà thuốc trên địa bàn tỉnh cài đặt phần mềm quản lý nhà thuốc. Theo quy định, đến ngày 1.1.2019, nhà thuốc nào chưa cài đặt, liên thông hệ thống sẽ bị đình chỉ hoạt động. Với các nhà thuốc đã kết nối, cơ quan quản lý có thể kiểm soát từ xa về lượng thuốc nhập vào, bán ra qua máy tính. Tuy nhiên, ông Sơn cũng thừa nhận rằng phần mềm hiện tại chưa theo dõi được việc kê đơn từ các phòng mạch hoặc bệnh viện. “Hiện các mô-đun về đơn thuốc khám chữa bệnh vẫn đang được xây dựng, khi hoàn thiện, kết nối với hệ thống thì mới quản lý được đơn thuốc. Tuy nhiên, bước đầu hệ thống phần mềm đã cài đặt đang góp phần làm thay đổi thói quen của người bán thuốc, từ không có hệ thống quản lý sang có quản lý để kiểm soát việc bán thuốc theo đơn chặt chẽ hơn”, ông Sơn cho hay.
LÊ CƯỜNG