Tỷ giá tăng kỷ lục, ngành dệt may xuất khẩu tăng thần tốc
Trong những tháng đầu năm, tỷ giá tăng mạnh khiến giới đầu tư kỳ vọng ngành thời trang xuất khẩu hốt bạc và giấc mơ đó đã trở thành hiện thực.
Trong những tháng đầu năm nay, đồng USD tăng rất mạnh. Đặc biệt tới hết quý 3/2018, tỷ giá đã vọt lên 23.290 đồng/USD – 23.370 đồng/USD, tăng 625 đồng/USD, tương đương 2,8% so với thời điểm cuối năm 2017.
USD tăng mạnh khiến các doanh nghiệp nhập khẩu gặp khó khăn. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, doanh nghiệp xuất khẩu lại hưởng lợi lớn. Trong các đơn vị xuất khẩu, ngành dệt may được cho là hốt bạc hơn cả.
Ngành thời trang hốt bạc
Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm của các doanh nghiệp ngành dệt may, mà cụ thể là ngành thời trang cho thấy dự báo trước đó của nhà đầu tư đã trở thành sự thật. Trong thời gian qua, cả doanh thu và lợi nhuận của các đơn vị này đồng loạt tăng đáng kể.
Ngành dệt may tăng trưởng mạnh. (Ảnh: Laodongthudo)
Cụ thể, 9 tháng đầu năm nay, Tổng công ty May Nhà Bè (MNB) đã đạt doanh thu 3.523 tỷ đồng, tăng 417 tỷ đồng, tương ứng 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả là lợi nhuận trong kỳ tăng từ 37,2 tỷ đồng lên 48,7 tỷ đồng.
Tổng công ty May Việt Tiến (VGG) cũng duy trì đà tăng trưởng đáng kể. Doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Tổng công ty tăng từ 6.360 tỷ đồng lên 7.427 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế tăng 47 tỷ đồng, tương ứng 15,5% so với 9 tháng đầu năm 2017.
Là anh cả trong ngành dệt may, thời trang, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex – VGT) có mức doanh thu và lợi nhuận cao vượt trội. 3 quý đầu của năm 2018, Vinatex đạt doanh thu 14.470 tỷ đồng, tăng nhẹ so với 13.036 tỷ đồng của 3 quý đầu năm 2017.
Các khoản lãi của Vinatex cũng cao hơn hẳn “đàn em” có mặt trên thị trường. Lợi nhuận sau thuế quý 3/2018 của Vinatex đạt 213 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 671 tỷ đồng, tăng đáng kể so với con số 512 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Là một doanh nghiệp kém nổi tiếng như Vinatex hay Việt Tiến nhưng Công ty cổ phần may mặc Bình Dương (BDG) cũng có chuỗi ngày kinh doanh hiệu quả. Lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm tăng mạnh từ 55 tỷ đồng lên 77 tỷ đồng. Kết quả này có được do doanh thu đạt 1.086 tỷ đồng.
Thanh khoản cổ phiếu ảm đạm
Thế nhưng, có một nghịch lý đã xảy ra trong ngành thời trang. Đó là bất chấp tình hình kinh doanh được cải thiện, bất chấp giá cổ phiếu dù tăng mạnh hay không, thanh khoản của cổ phiếu ngành thời trang rất èo uột.
Cụ thể, trong suốt thời gian qua, cổ phiếu BDG đã tăng khá mạnh. Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần trước, BDG dừng ở mức 34.600 đồng/CP, tăng 7.910 đồng/CP, tương ứng 29,6% so với phiên cuối cùng của năm 2017. Đây là đà tăng đáng kể.
Tuy nhiên, thanh khoản của BDG rất ảm đạm. Khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình 10 phiên gần đây của BDG chỉ đạt 220 đơn vị. Đặc biệt, có rất nhiều phiên, BDG không có nổi 1 cổ phiếu được trao tay thành công.
Cổ phiếu VGG của Tập đoàn Việt Tiến có tốc độ tăng chậm hơn BDG. Sau gần 11 tháng giao dịch, VGG chỉ tăng 1.620 đồng/CP, tương ứng 3,1%. Với tổng khối lượng cổ phiếu đang lưu hành đạt 42 triệu đơn vị nhưng khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình của 10 phiên gần đây chỉ đạt 6.806 đơn vị.
Ngành dệt may Việt Nam được đánh giá có nhiều tín hiệu khả quan. (Ảnh: Haiquan)
Trong khi đó, chỉ có Tập đoàn Dệt May Việt Nam là sôi động hơn cả về thanh khoản. Khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình 10 phiên gần đây của cổ phiếu VGG lên tới hơn 1 triệu đơn vị.
Đứng đầu về thanh khoản nhưng VGT lại ảm đạm về giá cổ phiếu. Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần trước, VGT dừng ở mức 13.200 đồng/CP, không biến đổi nhiều so với cuối năm 2017.
Trong thời gian gần đây, ngành dệt may Việt Nam được đánh giá có nhiều tín hiệu khả quan. Trong báo cáo ngành dệt may mới công bố, SSI Research ghi nhận so với Trung Quốc, Việt Nam đang được hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển các đơn hàng nhờ các Hiệp định thương mại tự do và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
SSI Research cho biết, nếu đáp ứng được các điều kiện về nguyên tắc xuất xứ, dệt may Việt Nam dự kiến tăng gấp đôi thị phần tại các thị trường của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) ngay sau khi Hiệp định này có hiệu lực kể từ năm 2019. Thông tin thêm, trong vòng 7 năm kể từ ngày ký kết, có đến 99,2% dòng thuế được EU cam kết cắt giảm đối với hàng hoá nhập khẩu từ Việt Nam.
Cùng với đó, nhờ hưởng lợi thuế quan từ CPTPP và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), hàng dệt may Việt Nam có thể trở nên cạnh tranh hơn so với hàng Trung Quốc.
Theo VIỆT VŨ (VTC News)