Việt Nam - điểm đến hấp dẫn của các ngân hàng Hàn Quốc
Tiềm năng tăng trưởng kinh tế lớn cộng với chính sách nới lỏng giới hạn sở hữu nước ngoài sắp ban hành của chính phủ khiến Việt Nam trở thành “miếng bánh” đầy hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Hàn Quốc.
Các ngân hàng Hàn Quốc đang tăng cường sự hiện diện tại Việt Nam nhằm đón đầu cơ hội từ tiềm năng tăng trưởng kinh tế lớn và chính sách nới lỏng giới hạn sở hữu nước ngoài sắp ban hành.
Các ngân hàng Hàn Quốc đang đua nhau tăng cường sự hiện diện tại Việt Nam, tờ Nikkei của Nhật cho hay. Trong số đó có Ngân hàng KEB Hana thuộc Tập đoàn tài chính Hana của Hàn Quốc đang trong quá trình đàm phán với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để mua lại 17,65% cổ phần của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), với tổng giá trị thương vụ dự kiến lên đến 30 tỉ won (khoảng 26,6 triệu USD).
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hiện sở hữu 95,28% cổ phần tại BIDV.
Hồi tháng 1, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã mời KEB Hana tham gia vào tiến trình cải cách lĩnh vực ngân hàng của Việt Nam.
Một ngân hàng khác là Shinhan Bank trực thuộc Tập đoàn tài chính Shinhan gần đây đã vượt mặt HSBC để trở thành ngân hàng nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam với 3,3 tỉ USD tài sản và sở hữu 900.000 khách hàng tại Việt Nam.
Giới phân tích cho rằng, tiềm năng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cộng với kế hoạch nới lỏng quy định về giới hạn sở hữu nước ngoài đã giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn trong mắt các ngân hàng Hàn Quốc.
Tổng tài sản của các ngân hàng Hàn Quốc tại Việt Nam trong năm 2017 đã tăng 18,9%, tức 5,7 tỉ USD - theo Cơ quan Dịch vụ giám sát tài chính (FSS) có trụ sở tại Seoul. Tỉ lệ này cao hơn so với khối tài sản chung cộng lại từ các ngân hàng nước ngoài khác là 12,9%, tức 42 tỉ USD trong thời gian cùng kỳ.
Trong số 5,7 tỉ USD nói trên, Shinhan Việt Nam - công ty con thuộc Shinhan Bank chiếm 59,7%, tiếp đến là Woori Việt Nam thuộc Woori Bank với 15,5%. Các ngân hàng Industrial Bank of Korea, KEB Hana và KB Kookmin Bank nắm giữ phần còn lại.
Tổng lợi nhuận ròng của các ngân hàng Hàn Quốc tại Việt Nam cũng nhảy vọt 28,9%, tức 61 triệu USD năm 2017. Lợi nhuận từ lãi vay cũng tăng 25,6% lên 135 triệu USD trong giai đoạn này.
Cơ hội cho các tổ chức tài chính đến từ Hàn Quốc sẽ còn lớn hơn khi chính phủ Việt Nam dự định nới lỏng quy định về giới hạn sở hữu nước ngoài tại các ngân hàng nội địa.
Việt Nam hiện giới hạn sở hữu nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng là 30%, trong khi với nhà đầu tư nước ngoài riêng lẻ giới hạn ở mức 20%.
Chính phủ có ý định bán Ngân hàng Đại dương (OceanBank), một trong ba ngân hàng được quốc hữu hóa trong năm 2015, do vấn đề tài chính. Ngoài ra, Việt Nam còn dự định bán 35% cổ phần tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) thông qua một đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) vào năm 2020.
Theo giới phân tích, dù cơ hội trải đều cho các ngân hàng nước ngoài, song các ngân hàng Hàn Quốc đang có lợi thế tốt hơn so với những đối thủ khác nhờ có ưu thế trong lĩnh vực dịch vụ bán lẻ khi cung cấp các dịch vụ ngân hàng di động tiện lợi dựa trên nền tảng công nghệ cao.
Hồng Hà (theo Nikkei)