Một giọng thơ lạ…
78 bài thơ trong Ba mươi, nỗi buồn em cổ điển (NXB Hội Nhà văn) của Nguyễn Phương Thúy thật sự đã đưa người đọc qua nhiều tầng nấc xúc cảm, lúc suy tư dằn vặt, khi cô đơn ám ảnh.
Nguyễn Phương Thúy (SN 1980) là giáo viên, đang sống và viết tại huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Tập thơ Ba mươi, nỗi buồn em cổ điển là tập thơ đầu tay của chị.
Thơ chị viết nhiều về người phụ nữ, với những đồng cảm thân phận, những lằng lặng buồn thoát ra từ câu chữ len chảy vào tâm thức người đọc, khiến người ta như nhìn thấy lòng mình. Nhưng không vì thế mà chị kéo người đọc vào ngui ngút những nẻo buồn. Nguyễn Phương Thúy luôn có cách tạo ra những bất ngờ từ những gì dung dị nhất. Ví như, ta thấy một sức sống hồi sinh mãnh liệt từ những khô cằn mà có khi tưởng chừng đã tận diệt với những hanh hao nghiệt ngã: “Mặc nắng bỏng, gió thốc cuồng sa mạc/ Anh có thấy trên nhánh xương rồng vừa mới trổ bông...”(Em gõ cửa mùa thu).Và này nữa, ta hình dung như có gì đó sắp răng rắc đổ vỡ nhưng cảm giác nồng nàn vẫn lan tỏa không nguôi, tất thảy hiện ẩn trong những hình ảnh thơ đầy sự liên tưởng: “Em có gọi đâu mà nỗi nhớ dạ thưa”(Nhớ anh sau chiêm bao).
Phụ nữ dễ đa sầu, đa cảm. Phụ nữ làm thơ sự dễ ấy còn đậm đà hơn. Sợ gió đau. Sợ mặt trời gặm buồn trong hốc nhớ. Con tim sao mà dễ rung cảm đến vậy, ngay cả với thời gian: “Cuối cùng rồi mặt trời cũng mất hút phía sau đồi/ Tôi nhìn thấy nụ cười em rơi xuống mặt đường méo xệch/ Lòng tôi thành ngốc nghếch/ Cuống cuồng dỗ tháng tư...”(Ngẫu nhiên tháng tư).Ở tập thơ Ba mươi, nỗi buồn em cổ điển, Nguyễn Phương Thúy tạo nhiều ấn tượng bởi chắc tay trong lập tứ, dụng ngôn kết hợp với hình ảnh so sánh, liên tưởng lạ, bất ngờ. Hơn hết, là cảm xúc đầy tràn như nén trong từng câu chữ.
VÂN PHI