Quản lý, bảo vệ rừng ở huyện Tây Sơn: Tăng cường tuyên truyền, siết chặt quản lý
Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép tại huyện Tây Sơn năm 2018 đã được kiềm chế. Tuy vậy, công tác bảo vệ rừng ở địa phương này vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách.
Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn bắt giữ một vụ vận chuyển lâm sản trái phép.
Tăng cường phối hợp
Ông Nguyễn Ơn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn, cho biết: “Tây Sơn có 14/15 xã, thị trấn có rừng và đất lâm nghiệp với tổng diện tích gần 41.000 ha; trong đó, đất có rừng 32.000 ha và đất chưa có rừng quy hoạch lâm nghiệp hơn 8.000 ha. Hầu hết diện tích đất có rừng phân bổ tại địa hình đồi núi cao, hiểm trở. Do vậy, lực lượng quản lý, bảo vệ rừng (QL-BVR) phải thường xuyên bám sát địa bàn, tăng cường tuần tra, truy quét mới kiểm soát và xử lý có hiệu quả các trường hợp vi phạm”.
Đầu năm 2018 đến nay, các trạm Kiểm lâm trực thuộc đã tổ chức hơn 100 đợt tuần tra, truy quét, phát hiện 4 vụ vi phạm Luật Bảo vệ - phát triển rừng; trong đó, Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn đã xử lý, tịch thu 1 vụ với gần 1,5 m3 gỗ xẻ nhóm III-VIII; 3 vụ còn lại đang tạm giữ chờ xử lý với hơn 1,6 m3 gỗ xẻ các loại.
Kiểm lâm địa bàn cũng phối hợp với Ban quản lý rừng phòng hộ, Ban CHQS huyện, Ban quản lý rừng cộng đồng thôn Phú Mỹ (xã Tây Phú) và các hộ nhận khoán thực hiện trên 300 đợt kiểm tra, kiểm soát lâm sản, ngăn chặn tình hình phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật. Kết quả, lực lượng chức năng đã hủy tại rừng 42 lò than, 26 lán trại, 45 bẫy thú rừng, hơn 7.000 kg than, 15 cái xẻng, 15 cái cuốc, tịch thu hơn 2 m3 gỗ các loại; đồng thời, phát hiện 1 vụ phá rừng trái pháp luật với diện tích trên 12.000 m2, 2 vụ lấn chiếm đất lâm nghiệp diện tích 8.372 m2 và phá bỏ gần 39.000 m2 cây trồng trên diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép.
Ngoài công tác tuần tra, truy quét, Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn còn phối hợp với Hội LHPN huyện tổ chức các buổi tuyên truyền, lồng ghép thi tìm hiểu phụ nữ với công tác QL-BVR và PCCC rừng qua hình thức hái hoa dân chủ, sân khấu hóa tại các địa phương; kết hợp tổ chức các buổi họp tuyên truyền, vận động nhân dân không vi phạm Luật Bảo vệ - phát triển rừng. Nhờ vậy, ý thức BVR của cư dân, nhất là bà con sống gần rừng từng bước nâng cao.
Ông Nguyễn Ơn nhận xét: “Thời gian qua, công tác QL-BVR và PCCC rừng đã được cấp ủy đảng và chính quyền địa phương các cấp quan tâm. Các ngành, hội, đoàn thể cũng tích cực phối hợp, triển khai đồng bộ, có hiệu quả nhiều giải pháp QL-BVR. Kiểm lâm địa bàn cũng tăng cường bám sát địa bàn, trực tiếp tham mưu cho chính quyền địa phương các xã, thị trấn đẩy mạnh QL-BVR, đặc biệt đã lồng ghép các cuộc họp thôn, làng để tuyên truyền, xây dựng quy ước BVR, cho người dân ký cam kết không tham gia phá rừng, gây cháy rừng”.
Siết chặt quản lý
Tuy vậy, theo đánh giá của Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn, công tác QL-BVR trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều khó khăn. Bởi, lực lượng kiểm lâm và lực lượng chuyên trách BVR còn mỏng, trong khi diện tích rừng toàn huyện rất lớn. Hơn nữa, khu vực rừng hiện có nhiều lối ra, vào nên hoạt động tuần tra, kiểm tra gặp nhiều trở ngại. Do đó, hiện tượng người dân lén lút xâm hại rừng, đất lâm nghiệp hoặc vận chuyển lâm sản vẫn còn xảy ra.
Từ thực tế này, Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn đã chỉ đạo Kiểm lâm địa bàn tham mưu UBND các xã, thị trấn kiện toàn 10 Ban chỉ huy BVR và PCCC rừng với 219 người tham gia; đồng thời, thành lập 43 tổ, đội BVR nhằm tăng cường lực lượng đủ mạnh tổ chức tuần tra, truy quét các trường hợp vi phạm Luật Bảo vệ - phát triển rừng. Bên cạnh đó, Hạt còn tiếp tục chỉ đạo Kiểm lâm địa bàn tham mưu cho UBND các xã, thị trấn huy động, chỉ đạo các hội, đoàn thể ở địa phương phối hợp với Kiểm lâm địa bàn tăng cường biện pháp BVR và PCCC rừng, ngăn chặn có hiệu quả tình hình khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản, động vật rừng trái phép; đặc biệt là duy trì thường xuyên quy chế phối hợp trong tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát lâm sản, kiểm tra truy quét trong rừng.
UBND huyện Tây Sơn cũng yêu cầu Hạt Kiểm lâm huyện cần tiếp tục chỉ đạo Kiểm lâm địa bàn, phối hợp với công đoàn cơ sở và đoàn thanh niên ở các địa phương làm tốt công tác thông tin và truyền thông; xây dựng kế hoạch phối hợp với các ban ngành của xã, thị trấn lồng ghép tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cho nhân dân nắm bắt các văn bản quy phạm pháp luật về công tác QL-BVR và PCCC rừng.
TRỌNG LỢI