Tìm lời giải cho “bài toán” thu nợ thuế
Dù đã có nhiều nỗ lực, song thu hồi nợ đọng thuế vẫn là bài toán hóc búa. Hiện ngành Thuế tỉnh đang gấp rút vào cuộc để nâng cao hiệu quả thu hồi nợ thuế.
Bộ phận quản lý nợ của Cục Thuế tỉnh hỗ trợ chính sách thuế cho các DN.
Khó nhiều bề
Tính đến 31.10.2018, nợ thuế do Cục Thuế tỉnh quản lý gần 1.169 tỉ đồng, giảm 0,04% so với cuối năm 2017 và bằng 18,9% so với dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2018. Trong đó, nợ thuế thuộc nhóm có khả năng thu hơn 517 tỉ đồng, bằng 8,4% so với dự toán thu cả năm; loại trừ 147,27 tỉ đồng tiền thuê đất và tiền sử dụng đất của các dự án, số nợ này khoảng 369 tỉ đồng, chiếm 5,9%.
Báo cáo Tổng cục Thuế hướng xử lý nợ thuế khó thu
Trong phương án xử lý nợ đọng thuế trên địa bàn tỉnh đến cuối năm 2018, ông Phan Cao Thắng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chống thất thu NSNN tỉnh - yêu cầu Cục Thuế tỉnh báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Tổng cục Thuế về hướng xử lý khoản nợ thuế khó thu kéo dài qua nhiều năm. Trường hợp cần thiết, Cục Thuế tỉnh chủ động phối hợp các sở, ban, ngành liên quan đề xuất Ban chỉ đạo chống thất thu NSNN tỉnh thành lập đoàn công tác liên ngành triển khai các biện pháp đôn đốc, xử lý và thu hồi nợ đọng theo quy định, nhất là trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên, khoáng sản.
Vấn đề nằm ở tiền thuế nợ khó thu kéo dài chốt đến thời điểm nói trên là hơn 627 tỉ đồng. Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Đào Hữu Phúc cho biết, Cục Thuế tỉnh đã chỉ đạo bộ phận quản lý nợ thuế chủ trì, phối hợp các phòng liên quan, các chi cục thuế lập thủ tục, hồ sơ xử lý xóa nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp đối với những người nộp thuế thuộc các trường hợp xóa nợ đã được quy định tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành, trình UBND tỉnh, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính xem xét xóa nợ thuế.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Cổn - Trưởng phòng Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế (Cục Thuế tỉnh), việc xóa nợ thuế trong nhóm nợ khó thu đã có quy định, nhưng không hề đơn giản. Quy định chưa được thực thi hiệu quả, chưa đến nơi đến chốn, có lỗi một phần do cán bộ ngành Thuế. Tại Bình Định, trong 10 năm qua có 3 đơn vị nằm trong diện xóa nợ thuế do phá sản là Công ty Nông sản thực phẩm, Công ty Dâu tằm tơ, Công ty Lâm nghiệp Nguyễn Huệ, nhưng đến nay chỉ mới xóa được cho Công ty Lâm nghiệp Nguyễn Huệ.
Đối với khoản nợ có khả năng thu, nhiều khó khăn trong đôn đốc thu nợ thuế và cưỡng chế nợ thuế. Theo Thông tư 26/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính, những đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản có vốn NSNN còn nợ chưa thanh toán kịp thời, có nợ thuế thì được xử lý không tính tiền chậm nộp. Điều này chính là chưa phải nộp thuế khi NSNN còn nợ.
Trong khi đó, với những đơn vị nợ thuế đã áp dụng biện pháp cưỡng chế thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng, theo công văn 5936/TCT-QLN ngày 21.12.2016 của Tổng cục Thuế, khi DN có nhu cầu xuất hóa đơn phải nộp 18% trên doanh thu vào NSNN mới được Cục Thuế tỉnh cho phép. Như vậy, với những đơn vị nợ thuế đã áp dụng biện pháp cưỡng chế hóa đơn rất khó thu 100% số nợ thuế trong năm nay. Một số đơn vị nợ thuế lớn đến ngày 31.10.2018 như Công ty CP Đường Bình Định (nợ thuế 23,91 tỉ đồng); Công ty CP ĐT-KD-TH Trường Thành (7,38 tỉ đồng), Công ty CP đá VGG (6,12 tỉ đồng)...
Rà soát, phân loại nợ
Trước tình hình đó, trong tháng 11 này, Cục Thuế tỉnh đã xây dựng phương án xử lý nợ đọng thuế trên địa bàn. Đối với nợ có khả năng thu, thực hiện phân loại nợ thuế theo đúng hướng dẫn tại quy trình quản lý nợ thuế, để phản ánh đúng bản chất của khoản tiền thuế nợ và gắn trách nhiệm của từng công chức được giao nhiệm vụ quản lý nợ trong việc phân loại tiền thuế nợ. Đồng thời, nắm chính xác số người nợ thuế, số thuế nợ đọng cũng như nguyên nhân nợ thuế để áp dụng các biện pháp xử lý nợ phù hợp từng nhóm nợ, khoản nợ. Định kỳ hàng tháng thống kê danh sách các DN, tổ chức, cá nhân nợ thuế lớn trên địa bàn, đề xuất giải pháp thu nợ cụ thể đối với từng trường hợp, báo cáo UBND tỉnh, thành phố, Ban chỉ đạo chống thất thu NSNN các cấp chỉ đạo thực hiện.
Mặt khác, cơ quan thuế kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế và công khai thông tin nợ thuế đối với những cá nhân, đơn vị, DN không nộp thuế đúng thời hạn quy định của Luật Quản lý thuế. Hàng tháng, Cục Thuế lập danh sách và công khai thông tin người nộp thuế nợ thuế trên địa bàn quản lý.
Theo ông Phúc, với công tác cưỡng chế nợ thuế, quyết liệt hơn trong áp dụng biện pháp cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản đối với 100% DN nợ thuế đã quá thời hạn nộp từ 91 ngày trở lên. Ban hành quyết định cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không có giá trị sử dụng đối với DN nợ thuế quá thời hạn từ 121 ngày. Sau khi hết thời hạn của quyết định cưỡng chế hóa đơn (1 năm), DN chưa nộp hoặc nộp chưa đủ số tiền thuế nợ vào NSNN, cơ quan thuế chưa triển khai được biện pháp cưỡng chế tiếp theo thì tiếp tục ban hành quyết định cưỡng chế thông báo hóa đơn không có giá trị sử dụng.
“Riêng về hộ kinh doanh nợ đọng thuế từ 5 triệu đồng trở lên, công tác cưỡng chế gặp nhiều khó khăn vì đa phần số hộ kinh doanh nợ đọng thuế không có tài khoản ngân hàng; không sử dụng hóa đơn… Chi cục thuế các huyện, thị xã, thành phố cần báo cáo Ban chỉ đạo chống thất thu NSNN, phối hợp Hội đồng tư vấn thuế các xã, phường, thị trấn đề nghị đôn đốc thu nợ hoặc áp dụng biện pháp cưỡng chế rút giấy phép kinh doanh”, ông Phúc nói.
MAI HOÀNG