Khoa học đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong nông nghiệp
Từ chỗ Việt Nam chỉ có 5 nhóm hàng nông sản giá trị xuất khẩu trên 1 tỉ USD/năm, nay là 10 mặt hàng đạt trên 3 tỉ USD/năm.
Chiều 26.11, hội thảo chuyên đề "Ứng dụng khoa học - công nghệ trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn" do Bộ Khoa học và Công nghệ, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... tổ chức đã nêu nhiều kết quả cho thấy khoa học đang hiện hữu trong từng sản phẩm nông sản Việt.
Gian hàng trưng bày các kết quả ứng dụng khoa học trong nông nghiệp. Ảnh: BN.
Hội thảo tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị trực tuyến và Triển lãm quốc gia tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiêp, nông dân, nông thôn từ 26-27.11 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia.
Điểm lại kết quả từ năm 2008 đến 2017 cho thấy kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông sản đạt 261,2 tỉ USD, tăng bình quân 9,24%/năm. Riêng năm 2017 kim ngạch xuất khẩu đạt 36,6 tỉ USD (tăng 20,05 tỉ USD so với năm 2008). Từ chỗ Việt Nam có trên 90% dân số sống và sản xuất dựa vào nông nghiệp thì nay con số này chỉ còn trên 60%.
Các mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu cũng tăng cả số lượng và giá trị (từ 5 mặt hàng trên 1 tỉ USD/năm lên 10 mặt hàng đạt 3 tỉ USD/năm).
Đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khoa học và công nghệ đã đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đặc biệt trong sản xuất giống cây trồng và vật nuôi với giá trị gia tăng đạt đến 38%.
TS Đào Thế Anh, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho biết, nông nghiệp đóng góp 15% trong GDP. "Tăng trưởng trong nông nghiệp ngày càng phụ thuộc vào ứng dụng khoa học công nghệ mới. Từ khâu giống, quy trình canh tác, chế biến, bảo quản, phân bón... đều thể hiện vai trò của khoa học công nghệ", TS Anh nói.
Như cây thanh long, nhờ nghiên cứu cải tạo giống cho năng suất cao (trung bình 40-50 tấn/ha, tăng 74,5% so với giống cũ) đã làm lợi cho sản xuất khoảng 13.000 tỷ đồng/năm.
Các giống lúa tiêu biểu cho năng suất cao, chống chịu sâu bệnh (OM5451, OM4900...) cũng làm lợi hàng chục nghìn tỉ đồng/năm.
Theo Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc, thông qua các chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia và cấp bộ, nhiều kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp đã được chuyển giao. Nông sản của Việt Nam ngày càng đạt chất lượng cao, có mặt ở các thị trường khó tính trên thế giới.
Tuy nhiên cũng cần nhìn nhận trình độ khoa học và công nghệ nông nghiệp trong nhiều lĩnh vực còn thấp và chậm phát triển so với các nước trên thế giới, khu vực và chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Thành tựu mới chỉ đạt đối với một số sản phẩm chủ lực như tôm, cá tra, lúa, ngô, tiêu, cà phê, cao su... Trong bảo quản chế biến, chăm nuôi thú y, hàm lượng khoa học và công nghệ của sản phẩm chưa cao.
Chính vì vậy nhiều ý kiến cho rằng các Bộ cần phối hợp thực hiện chính sách ưu đãi, thu hút nhân tài trong nghiên cứu khoa học nông nghiệp, nhất là với nông nghiệp công nghệ cao thuộc các lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam có ưu thế để khai thác nhiều hơn đóng góp của khoa học với nền kinh tế nông nghiệp.
Theo Bích Ngọc (VnE)