Việc làm bình thường và cần thiết của mọi chính đảng
Sau khi tiến hành kiểm tra các dấu hiệu vi phạm đối với ông Chu Hảo (nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Tri Thức, thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam), Ủy ban Kiểm tra Trung ương khẳng định vi phạm, khuyết điểm của ông rất nghiêm trọng và vừa qua đã quyết định khai trừ ông khỏi Ðảng. Việc có hình thức kỷ luật hoặc khai trừ đảng viên vi phạm kỷ luật là hết sức bình thường và cần thiết của mọi chính đảng trên thế giới. Tuy nhiên, một số tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước lại cố tình biến sự việc này thành "bất thường" qua ý kiến, tuyên bố, thư ngỏ... Bài viết dưới đây của tác giả Hồ Ngọc Thắng từ CHLB Ðức gửi đến Báo Nhân Dân cho thấy những ý kiến phản đối việc kỷ luật đối với ông Chu Hảo là bất thường, vô lý, có tính chất vu cáo. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.
Theo dõi dư luận liên quan việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương Ðảng Cộng sản Việt Nam thi hành kỷ luật ông Chu Hảo, tôi thấy một số người cố tình không thừa nhận tính đúng đắn của việc làm này, mà đã lợi dụng sự việc bảo vệ ông Chu Hảo, tác động đến người quan tâm để giảm lòng tin đối với Ðảng Cộng sản. Họ cố tình làm rùm beng sự việc, song lại phớt lờ một thực tế là các chính đảng ở bất kỳ quốc gia nào cũng không chấp nhận một đảng viên vi phạm điều lệ, quy định của đảng.
Ở phương Tây, việc một chính đảng khai trừ đảng viên hầu như liên tục xảy ra và ít người để ý, ngoại trừ trường hợp người bị khai trừ là chính trị gia hoặc nhân vật nổi tiếng. Về lịch sử, có thể nói trường hợp ông J.Tyler (G.Thai-lơ) - Tổng thống thứ 10 ở nước Mỹ, là trường hợp điển hình. Ông là đảng viên đảng Whig. Năm 1841, sau khi Tổng thống W.H.Harrison (W.H.Ha-ri-sơn) đột ngột qua đời, đang là Phó Tổng thống, ông được lên thay. Với cương vị Tổng thống, ông đã hai lần phủ quyết hai đề xuất quan trọng của đảng Whig, cho nên lãnh đạo đảng này đã ra lệnh khai trừ ông ra khỏi đảng; và J.Tyler trở thành vị tổng thống bị khai trừ ra khỏi đảng duy nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Ở Pháp người ta vẫn nhắc tới trường hợp ông J.M.Le Pen (G.M.Lơ Pen) là người thành lập, lãnh đạo đảng Mặt trận Quốc gia từ năm 1972 đến 2011, từng năm lần tranh cử tổng thống Pháp. Ngày 20.8.2015, chính con gái của ông là bà M.Lơ Pen khai trừ ông khỏi đảng Mặt trận Quốc gia vì đã có "hành vi sai trái nghiêm trọng". Ở Áo là trường hợp ông J.Haider (G.Hai-đơ), sau 14 năm lãnh đạo đảng Tự do Áo (FPÖ), ngày 7.4.2005, ông bị khai trừ khỏi đảng. Bà E.W.Schlumpf (E.U.Slum-phơ), Tổng thống Thụy Sĩ nhiệm kỳ năm 2015 (ở Thụy Sĩ, nhiệm kỳ Tổng thống là một năm), trước đó ngày 1.6.2008 bà bị khai trừ khỏi Ðảng Nhân dân Thụy Sĩ (SVP)...
Các đảng phái ở Ðức không công bố số đảng viên bị khai trừ hoặc ra khỏi đảng, mà chỉ công bố số đảng viên của đảng. Ngày 12.7.2016, tạp chí Spiegel (Tấm gương) cho biết, theo kết quả của một nghiên cứu do nhà khoa học chính trị O.Niedermayer (O.Ni-đơ-may-ơ) tiến hành, thì các đảng lớn ở Ðức đang suy giảm số lượng đảng viên. Số đảng viên của SPD (Dân chủ xã hội Ðức) chỉ còn 442.814, giảm 3,7% so với năm trước, như vậy từ năm 1990 tới thời điểm đó, SPD giảm một nửa đảng viên và là đảng duy nhất giảm đảng viên tại tất cả các tiểu bang. Như vậy, SPD cũng đã mất vị trí là đảng có số thành viên cao nhất và nhường chỗ cho CDU (Cơ đốc giáo Ðức) có 444.400 đảng viên (giảm 2,9%)...
Về trường hợp bị khai trừ khỏi đảng ở Ðức, nổi lên là trường hợp của ông K.H.Funke (K.H.Phun-khơ), đảng viên SPD, từ năm 1998 đến 2001 là Bộ trưởng Bộ Lương thực, Nông nghiệp và Lâm nghiệp liên bang. Sau hơn 40 năm sinh hoạt trong đảng, năm 2011, ông đã bị khai trừ vì không chấp hành nghị quyết của tổ chức đảng ở địa phương liên quan việc ông ra ứng cử tại cuộc bầu cử Hội đồng huyện (tương đương Hội đồng Nhân dân huyện ở Việt Nam) tổ chức năm 2011. Ðảng CDU cũng khai trừ một đảng viên nổi tiếng là ông M.Hohmann (M.Hô-man), sinh năm 1948 và là một luật gia, chính trị gia, dân biểu Quốc hội Ðức từ năm 1998 đến 2005. Ngày 3.10.2003, nhân ngày nước Ðức thống nhất, bài phát biểu của ông tại Neuhof (Noi-hốp-phờ) được cho là có nội dung bài Do Thái. Vì thế, tháng 7.2004 ông bị khai trừ khỏi đảng. Một chính trị gia nổi tiếng khác của CDU là S.Kauder (S.Khau-đơ), từ tháng 11.2009 tới tháng 10.2013 là Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Quốc hội Ðức; ngày 4.8.2013, tổ chức đảng CDU ở địa phương tiến hành thủ tục khai trừ đối với ông.
Và một vụ án hình sự gây chấn động trên chính trường nước Ðức đã dẫn đến việc một đảng viên Liên minh xã hội Cơ đốc giáo (CSU) bị khai trừ, đó là sự việc liên quan ông K.Schreiber (K.Srai-bờ) sinh năm 1934. Là một thương gia, ông được biết đến với tư cách người vận động hành lang (lobbyist) cho ngành công nghiệp quốc phòng, và được coi là một trong các nhân vật chính trong vụ bê bối liên quan việc quyên góp bất hợp pháp cho CSU, khiến các chính trị gia như cố Thủ tướng Ðức H. Kohl (H.Kôn), cố Thủ hiến bang Bavaria M.Strauss (M.Stờ-rau-xơ) gặp sóng gió. Tháng 5.2010, ông K.Schreiber bị Tòa án tiểu bang Augsburg (Au-xbuốc) kết án tám năm tù vì tội trốn thuế. Và sau 30 năm là đảng viên CSU, ông bị khai trừ.
Ðức có trường hợp khi đang tiến hành thủ tục khai trừ đảng hay vừa kết thúc thủ tục, người bị đưa ra xem xét đã tuyên bố ra khỏi đảng nhằm né tránh việc bị khai trừ. Ðược nhiều người biết đến là trường hợp ông W.Clement (W.Cơ-lê-men), từ năm 1998 tới 2002 ông là Thủ hiến tiểu bang Nodrhein - Westfalen (Nót-rai - Vét-pha-len), làm Bộ trưởng Liên bang phụ trách kinh tế từ năm 2002 đến 2005. Một trong các điểm ông tranh cãi gay gắt với đảng của mình là SPD muốn đưa ra quy định pháp lý về mức lương tối thiểu cho người lao động. Tuy thuộc vào nhóm thiểu số, song ông không chấp nhận ý kiến của đa số đảng viên.
Ðáng chú ý là quy định về mức lương tối thiểu cho người lao động không những đã được thông qua trong nghị quyết của SPD, mà còn được ghi vào thỏa thuận lúc đó giữa SPD và CDU, CSU để thành lập Chính phủ liên minh. SPD đã thông báo và hội đồng kỷ luật tại tiểu bang Nodrhein - Westfalen quyết định khai trừ ông W.Clement khỏi đảng, tới ngày 25.11.2008, ông tuyên bố ra khỏi đảng SPD. Một bài báo đăng ngày 21.1.2008 trên tạp chí Stern (Ngôi sao) cho biết, chính trị gia nổi tiếng của SPD có nguy cơ bị tiến hành thủ tục khai trừ đảng là O.Lafontaine (O.La-phông-tin). Từ năm 1985 đến 1998, ông là Thủ hiến ở tiểu bang Saarland (Da-lan), ứng cử viên thủ tướng của SPD, từ năm 1995 đến 1999 là chủ tịch đảng SPD. Năm 2005, ông đã tuyên bố ra khỏi SPD để không phải đương đầu với thủ tục khai trừ.
Nhìn chung ở phương Tây, việc khai trừ đảng viên ra khỏi đảng là biện pháp kỷ luật nghiêm khắc nhất của một đảng chính trị nhằm xử phạt các đảng viên có hành vi gây tổn hại cho đảng; mà nguyên tắc xuyên suốt luôn được khẳng định, đề cao là đảng viên có thể bị khai trừ khỏi đảng nếu cố ý vi phạm điều lệ, vi phạm yêu cầu kỷ luật và quy định của đảng, gây hậu quả nghiêm trọng cho đường hướng chính trị, sự thống nhất, uy tín của đảng. Nguyên tắc này được xác định như khung cơ bản để các đảng phái chính trị ở Ðức xây dựng điều lệ, xác định yêu cầu kỷ luật của đảng mình. Thí dụ, Ðiều 11 Ðiều lệ đảng CDU quy định: "Một đảng viên có thể bị khai trừ ra khỏi đảng nếu cố tình vi phạm điều lệ của đảng, hoặc vi phạm nghiêm trọng những nguyên tắc, hoặc quy định, và gây ra tổn hại lớn cho đảng".
Với đảng SPD, tại khoản 1 Ðiều 35 Ðiều lệ của đảng này quy định lý do khai trừ đảng tỉ mỉ hơn, trong đó cũng quy định có thể tiến hành thủ tục khai trừ đối với đảng viên "vi phạm điều lệ đảng, hoặc nguyên tắc, hoặc quy định của đảng". Cụ thể, người vi phạm các nguyên tắc của SPD là người đã không thực hiện yêu cầu về đoàn kết nội bộ, có hành động bất lương; và đặc biệt nhấn mạnh hình thức kỷ luật với người vi phạm quy định của đảng, cố tình có hành động trái ngược các nghị quyết của đại hội đảng, hoặc nghị quyết khác của tổ chức đảng các cấp. Về việc tiến hành thủ tục khai trừ đảng, nhìn chung cơ quan đảng ở cấp liên bang, tiểu bang hoặc quận (huyện) có thể tiến hành thủ tục khai trừ đảng, nhưng quyết định có khai trừ hay không là thẩm quyền của hội đồng kỷ luật. Thành viên hội đồng kỷ luật được bầu cho một nhiệm kỳ tối đa bốn năm.
Xem xét từ phương diện lịch sử, từ nguyên tắc tổ chức trong tương quan với hoạt động xã hội của các chính đảng, và so sánh từ phương diện quốc tế, tôi cho rằng việc Ðảng Cộng sản Việt Nam đưa ra yêu cầu nghiêm khắc về kỷ luật, xác định hình thức kỷ luật tương ứng nếu tổ chức đảng hoặc đảng viên vi phạm là điều bình thường và cần thiết. Vì thế việc khai trừ một số đảng viên không còn đủ tư cách cũng bình thường, bởi cũng như mọi chính đảng trên thế giới, đó là việc làm cần thiết. Một số tổ chức, cá nhân đã và đang bênh vực ông Chu Hảo để qua đó phê phán Ðảng Cộng sản Việt Nam cần đối diện và thừa nhận vấn đề có tính nguyên tắc này để thấy họ đã đưa ra ý kiến hết sức phi lý.
Với việc ca ngợi vai trò của ông Chu Hảo ở NXB Tri thức cũng vậy, cần thấy rõ rằng việc ông quyết định để NXB Tri thức xuất bản một số cuốn sách có nội dung không phù hợp là vi phạm Ðiều lệ của Ðảng Cộng sản Việt Nam, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, vi phạm pháp luật nhà nước, và đảng viên mọi chính đảng ở các quốc gia đều bị xử lý; đặc biệt, không thể lấy một vài cuốn sách chỉ phù hợp với "khẩu vị" của một số ít người để bảo vệ Chu Hảo.
Từ nước ngoài nhìn về Tổ quốc, qua kết quả những biện pháp kỷ luật nghiêm khắc đối với đảng viên vi phạm mà Ðảng Cộng sản Việt Nam tiến hành trong những năm gần đây, tôi tin Ðảng Cộng sản Việt Nam đang siết chặt kỷ luật, nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị, nâng tầm tri thức mọi mặt và đạo đức của đội ngũ đảng viên. Do đó, tôi càng tin với vai trò là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, Ðảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục củng cố đội ngũ, làm trong sạch đội ngũ để tổ chức, lãnh đạo, cùng toàn dân phấn đấu vì một nước Việt Nam "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
Theo HỒ NGỌC THẮNG (CHLB Ðức)/nhandan.com.vn