Nghị định 103 về xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản:
Tăng mức xử phạt các trường hợp vi phạm
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Nghị định (NĐ) 103/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản. NĐ này chính thức có hiệu lực từ ngày 1.11.2013, thay thế cho NĐ 31/2010/NĐ-CP ngày 29.3.2010. PV Báo Bình Định đã trao đổi với ông Nguyễn Kim Ngôn, phụ trách Phòng Thanh tra Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (KT-BVNLTS) thuộc Chi cục KT-BVNLTS (Sở NN-PTNT) về một số điểm mới trong NĐ này.
* Ông có thể cho biết một số điểm mới tại NĐ 103 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản?
- Ngày 12.9.2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành NĐ 103 quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản và NĐ này chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1.11.2013. Theo NĐ 103, các nhóm hành vi vi phạm trong hoạt động thủy sản phải bị xử lý hành chính là: vi phạm các quy định về BVNLTS; khai thác thủy sản; quản lý tàu cá và thuyền viên tàu cá; nuôi trồng thủy sản, sử dụng mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản; thu gom, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, chế biến, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu thủy sản; ngành nghề dịch vụ thủy sản; cản trở hoạt động quản lý nhà nước về thủy sản.
Các đối tượng bị xử phạt là các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại NĐ này trong phạm vi lãnh thổ, vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của nước CHXHCN Việt Nam. Trong trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác thì thực hiện theo Điều ước quốc tế đó.
Chương II của NĐ 103 quy định chi tiết mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản. Chương III quy định chi tiết thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong hoạt động thủy sản của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền…
Như vậy, so với NĐ 31 trước đây, NĐ 103 có nhiều điểm sửa đổi, bổ sung, trong đó vấn đề quan trọng nhất là bổ sung hành vi và tăng mức xử phạt đối với các trường hợp vi phạm. Chẳng hạn bổ sung hành vi nuôi, lưu giữ; quản lý các phân khu chức năng trong khu bảo tồn biển, hành vi môi giới, tổ chức đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển của quốc gia, lãnh thổ khác… Mức xử phạt tối đa hành vi vi phạm về lĩnh vực khai thác thủy sản đã tăng hơn gấp đôi, từ 40 triệu đồng tăng lên 100 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm, 200 triệu đồng đối với tổ chức. NĐ 103 cũng tăng thêm thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động thủy sản của các đơn vị chức năng thuộc thanh tra ngành, UBND các cấp cho phù hợp với Luật Thanh tra, Luật Xử lý vi phạm hành chính.
* NĐ 103 vừa được ban hành quy định thẩm quyền của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành xử phạt vi phạm hành chính đối với các đối tượng vi phạm trong hoạt động thủy sản như thế nào?
- NĐ 103 vừa được ban hành quy định rõ thẩm quyền được phép xử phạt của cơ quan thanh tra chuyên ngành thủy sản. NĐ 103 quy định bổ sung thêm thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về thủy sản của các chức danh mới gồm: công chức được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành thủy sản đang thi hành công vụ, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chuyên ngành thủy sản; Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành thủy sản Sở NN-PTNT, Tổng cục Thủy sản, Chi cục Quản lý thủy sản; kiểm ngư viên được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành thủy sản đang thi hành công vụ; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư vùng (hoặc chức danh tương đương); Cục trưởng Cục Kiểm ngư.
Để củng cố vai trò, chức năng của thanh tra chuyên ngành thủy sản, đơn vị đang tiến hành xây dựng phương án điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của lực lượng thanh tra KT-BVNLTS trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Một trong những nội dung của phương án là thay đổi tên phòng, như trước là Thanh tra BVNLTS nay đổi là Phòng Thanh tra chuyên ngành trực thuộc Chi cục KT-BVNLTS; thay đổi chức danh, trước là Chánh thanh tra BVNLTS nay đổi là Trưởng phòng thanh tra chuyên ngành; trình Sở NN-PTNT bổ nhiệm công chức được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành NN-PTNT; đồng thời trình Bộ NN-PTNT cấp thẻ công chức thanh tra chuyên ngành NN-PTNT theo quy định.
* Hiện nay, việc triển khai NĐ 103 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh đang được chuẩn bị như thế nào, thưa ông?
- Nhằm triển khai có hiệu quả NĐ 103, trong quý IV năm nay, Chi cục KT-BVNLTS sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương trong tỉnh tổ chức tập huấn, triển khai NĐ đến với người dân. Trước mắt, chú trọng triển khai NĐ 103 tại các xã trọng điểm, gồm Nhơn Hội, Nhơn Lý (TP Quy Nhơn); Phước Thuận, Phước Hòa (Tuy Phước), và các xã ven biển huyện Phù Mỹ… với nhiều hình thức như lồng ghép vào các buổi họp dân, họp nhóm đồng quản lý thủy sản, tổ chức tập huấn… Đồng thời, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để chuyển tải kịp thời những nội dung chính của NĐ 103 và mức xử phạt cụ thể để người dân biết và nâng cao ý thức BVNLTS. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã phối hợp với lực lượng Phòng Cảnh sát đường thủy, Đội Phòng chống xung điện xiếc máy huyện Tuy Phước, cùng các Đồn Biên phòng tăng cường công tác tuần tra và có biện pháp xử lý những đối tượng cố tình vi phạm.
* Xin cảm ơn ông!
NGUYỄN HÂN (Thực hiện)