Gắn đào tạo nghề với việc làm
Nhờ sự quan tâm, đầu tư đúng mức nên những năm gần đây, việc đào tạo nghề, cung ứng lao động ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) huyện Tây Sơn có nhiều thay đổi tích cực, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Mấu chốt của sự thay đổi này là đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm.
Lớp nghề thực hành trồng và nhân giống nấm ở xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn.
Hiện, Trung tâm GDNN - GDTX Tây Sơn có 2 cơ sở (1 ở thị trấn Phú Phong, 1 ở xã Tây Xuân). Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã mở 19 lớp/450 học viên, đào tạo các lớp: kỹ thuật nấu ăn, may, sửa chữa máy nông nghiệp, điện… Từ kiến thức, kỹ năng học được, nhiều học viên đã triển khai sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hoặc mở rộng quy mô sản xuất để tạo thêm việc làm cho xã hội.
Tháng 3.2018, sau khi tốt nghiệp lớp cắt may của Trung tâm, chị Đinh Thị Thủy (ở xã Vĩnh An) tìm được việc làm tại Công ty CP May Tây Sơn. Một trường hợp khác, chị Nguyễn Thị Dung (ở xã Bình Nghi) kể: “Sau khi học xong lớp kỹ thuật nấu ăn do Hội LHPN xã Bình Nghi phối hợp với Trung tâm tổ chức, tôi được Trung tâm giới thiệu kết nối với các cơ sở chuyên làm dịch vụ tiệc cưới để bỏ mối bánh rau câu 3D. Nhờ mình chịu khó, phần thì được các cô, các chị hỗ trợ nhiệt tình nên tôi nhanh chóng có việc làm và thu nhập ổn định”.
Để tính toán chính xác nhu cầu, Trung tâm tổ chức khảo sát, làm việc cụ thể với các địa phương, định hướng việc làm và mở lớp ngay tại cơ sở. Thành công của các lớp nghề thực hành sửa chữa máy nông nghiệp mà Trung tâm mở ở xã Bình Tường hoặc lớp nghề trồng nấm ăn ở xã Tây Thuận là ví dụ.
Không chỉ có vậy, Trung tâm còn làm việc với nhiều cơ sở, đơn vị có nhu cầu tuyển dụng lao động ở địa phương; mời đại diện nhiều công ty đến nói chuyện với các học viên về cơ hội việc làm, phối hợp các trung tâm giới thiệu việc làm của tỉnh, Phòng LĐ-TB&XH huyện tổ chức một số phiên chợ, hội chợ việc làm thu hút hàng trăm lao động tham gia. Ngoài ra, Trung tâm còn tham gia giới thiệu, quảng bá và tuyên truyền về các chính sách xuất khẩu lao động của tỉnh.
Bà Trần Thị Bích Lệ, Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX huyện Tây Sơn, cho biết: “Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với việc giải quyết việc làm, Trung tâm sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo, năng lực đội ngũ giáo viên và cập nhật chương trình đào tạo... Đặc biệt tích cực tranh thủ sự hỗ trợ của Sở LĐ-TB&XH theo Đề án 1965 về công tác dạy nghề, lựa chọn một số nghề có thế mạnh để đầu tư, xây dựng thương hiệu, đặc biệt là các nghề thuộc nhóm nữ công. Bên cạnh đó, Trung tâm tích cực phát huy vai trò cầu nối giữa người lao động và DN để định hướng, nâng cao chất lượng tuyển sinh, đào tạo”.
ÐINH THỊ MINH NGỌC